Đoàn kết làm nghề

Mười mấy năm qua, sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh cái khó về cơ sở vật chất, đội ngũ sáng tác, biểu diễn, người trong nghề còn thấy rõ một nguyên nhân quan trọng, đó là sự thiếu đoàn kết. Hơn thế nữa, là việc thiếu người quản lý có tâm, có tầm, có uy tín, am hiểu cặn kẽ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và về sân khấu cải lương truyền thống nói riêng.

Khi xưa, mỗi gánh hát đều có những ông, bà “bầu” tên tuổi, đầy nhiệt huyết phát triển gánh hát. Họ giỏi giang, có tầm nhìn, có tài quản lý nhân sự, điều hành gánh hát đi vào nền nếp, đều đặn sáng đèn các suất diễn phục vụ. Có giai đoạn, các gánh hát sáng đèn hàng đêm, phục vụ kịp thời nhu cầu giải trí của khán giả mộ điệu. Tài năng của người quản lý gánh hát còn ở chỗ khéo léo dàn xếp, xử lý êm thấm, chu đáo những mâu thuẫn giữa các nghệ sĩ trong gánh hát, đoàn hát.

Thói thường, trên sân khấu, dưới ánh đèn màu, các nghệ sĩ sẽ sống hết mình để thăng hoa cùng nhân vật, hợp tác ăn ý trong ca diễn, nhưng ngoài đời, không phải nghệ sĩ giỏi nào cũng thích nhau. Nhờ có người quản lý tài năng đứng ra làm “đầu tàu” để lèo lái, thế nên sức mạnh và sự phát triển của các đoàn hát, gánh hát nhờ thế mà được duy trì, phát huy, góp phần không nhỏ tạo nên một thời sân khấu cải lương huy hoàng, rực rỡ.    

Sau thời hoàng kim, sân khấu truyền thống gặp vô vàn khó khăn, ngày một đi xuống, rời rạc trong hoạt động tổ chức và biểu diễn. TPHCM, nơi từng được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương, các rạp hát cứ mất dần. Các gánh hát, đoàn hát hợp tan mấy bận. Một lớp nghệ sĩ kỳ cựu lần lượt rời quê cha đất tổ để định cư nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng, các tác giả, đạo diễn tài hoa của sân khấu truyền thống, lớn tuổi dần và lần lượt ra đi. Giai đoạn sân khấu khó khăn chồng chất kéo dài nhiều năm liền, khiến không ít người lo sợ sự mai một của loại hình nghệ thuật dân tộc vốn có đến cả trăm năm hình thành và phát triển.

Nhìn vào hiện tại, dễ thấy nghệ sĩ sân khấu bây giờ thường mạnh ai nấy làm. Họ chỉ có thể làm nghề trong khả năng nhất định, trong nguồn nội lực về kinh tế nhất định để nuôi dưỡng tình yêu, đam mê nghề ca diễn. Nhưng những bất cập trong tổ chức biểu diễn, chế độ đãi ngộ nhân tài, sự mờ mịt trong định hướng và tương lai của ngành nghề, rồi chuyện cơm áo gạo tiền…, đã cuốn đi không ít tâm huyết, nhiệt thành của nhiều lớp nghệ sĩ.

Cộng thêm thiếu sự đoàn kết gắn bó giữa các nghệ sĩ, thiếu sự quản lý, chỉ đạo, quan tâm sâu sát của cơ quan quản lý văn hóa trong đầu tư, xây dựng, bảo tồn và phát triển ngành sân khấu truyền thống… đã và đang khiến sân khấu cải lương rơi vào tình trạng hoạt động lẻ mẻ, rời rạc, thiếu hẳn sức sống.

Sân khấu cải lương rất cần tinh thần đoàn kết, cùng chung lòng, góp sức từ các nghệ sĩ. Khi đạt được những vấn đề trên, sẽ không khó để vực dậy sức sống mãnh liệt của sân khấu nghệ thuật cải lương truyền thống.

Tin cùng chuyên mục