Do tác động của dịch Covid-19: thu ngân sách năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng

Chiều 5-11, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu đầu năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, mục tiêu hoàn thành vượt mức, trên cơ sở tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, dầu thô 60 USD/thùng...
Phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội ngày 5-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội ngày 5-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, bước vào năm 2020, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu, diễn biến bất thường của thiên tai cũng tác động lớn tới kinh tế xã hội. Ước tính 10 tháng số thu chỉ đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% cùng kỳ và là mức thấp nhất 10 năm gần đây. Trong đó, ngân sách trung ương đạt 70%, còn địa phương đạt 81% dự toán.

Theo Bộ trưởng, một số địa phương có mức thu lớn điều tiết về trung ương nhưng năm nay đạt mức thấp như Hà Nội (70,1%), TPHCM (64,8%), Vĩnh Phúc (60,8%), Quảng Nam (45,3%).

Để thực hiện được mục tiêu kép, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa. Các chính sách này đã góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước nhưng giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp. Ước thu ngân sách năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng, bằng 12,5% dự toán.

Do tác động của dịch Covid-19: thu ngân sách năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, thu giảm nhưng chi lại tăng do phải phải triển khai các chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, Chính phủ đã chi ra 19.700 tỷ đồng cho công tác phòng chống và hỗ trợ ngươi dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19; chi 12.500 tỷ đồng cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi; hỗ trợ 500 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai. Số bội chi năm nay ước tính vẫn khoảng 95.000 - 133.500 tỷ đồng, tương ứng khoảng 4,99 - 5,59% GDP, ước tính nợ công cuối năm tương đương 56,8-57,4% GDP.

Phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội đã khép lại chiều 5-11. Trong 3 ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế -xã hội, đã có 112 ĐBQH phát biểu, 18 ĐB tranh luận, Phó Thủ tưởng và 7 Bộ trưởng các bộ đã giải trình các vấn đề liên quan. Nổi lên trong phiên thảo luận là những tranh luận về vấn đề bão lũ ở miền Trung, trong đó nạn phá rừng và quy hoạch thủy điện không đồng bộ được cho là gây tác động nghiêm trọng khiến thiên tai ngày càng khó lường. Vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của bộ Cánh Diều cũng là nội dung rất “nóng” mà các đại biểu thảo luận.  

Tin cùng chuyên mục