“Đỏ mắt” tìm pháo hoa không nổ

Ngày 27-11-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo thay thế cho Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 về quản lý, sử dụng pháo. Do không hiểu đúng tinh thần nghị định, một số cá nhân cho rằng, từ ngày 11-1-2021 khi Nghị định số 137 có hiệu lực sẽ được đốt các loại pháo. Lợi dụng việc này, gần đến tết, tình trạng mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo diễn biến phức tạp. 
Công an Yên Bái và Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp bắt vụ vận chuyển 529kg pháo nổ
Công an Yên Bái và Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp bắt vụ vận chuyển 529kg pháo nổ

Pháo nổ bán tràn lan

Ghi nhận trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM), nhiều cửa hàng bán đồ trang trí tết như thiệp, hoa giấy, lồng đèn… đều bán kèm pháo các loại. Khi PV Báo SGGP dừng xe trước một cửa hàng, nhân viên hớn hở hỏi cần hàng gì.

Khi nghe nói tìm mua pháo chơi tết, nam nhân viên nhanh nhảu: “Thích loại nào, pháo hoa, pháo nổ có hết. Muốn pháo trứng, pháo bi, pháo dây, pháo dàn, em lấy cho”.

Sau một hồi được tư vấn “hiệu ứng” của từng loại pháo, PV đề nghị mua pháo hoa nổ (loại 49 dàn) với giá 1,9 triệu đồng/dàn.

“Anh cho em ứng tiền trước và ship hàng tận nơi, chứ công an giả dạng người mua mật phục giữ lắm. Có mấy đứa bị lực lượng phát hiện “hốt” rồi”, nam nhân viên cho biết. Lấy lý do giá đắt, PV tạt vào một cửa hàng khác gần đó thì được một phụ nữ chào mời. Khi biết PV tìm pháo bi (hay còn gọi là pháo banh) để đốt cho có tiếng nổ lớn trong đêm giao thừa, người phụ nữ dẫn vào bên trong cửa hàng gặp người đàn ông tên Dũng. Ông Dũng giới thiệu có 2 loại pháo bi, loại lớn 100 viên giá là 700.000 đồng/bịch, loại nhỏ 100 viên giá 350.000 đồng/bịch.

“Pháo này do Thái Lan sản xuất, chỉ cần đốt cháy dây dẫn thì bi sẽ phát nổ. Tụi choai choai mua hà rầm mấy bữa nay”, ông Dũng quảng cáo và gợi ý  nếu đồng ý mua thì phải chuyển tiền trước, giao hàng tận nơi trong ngày. 

Theo ghi nhận của PV, rất nhiều cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) có bán pháo các loại, chủ yếu có xuất xứ Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia… Sau khi “tuồn” về Việt Nam sẽ được các tay buôn phân phối cho các mối bán sỉ, lẻ. Giá cả cũng được đẩy lên nhiều lần so với giá ban đầu. Không chỉ chào mời bán tại các cửa hàng, nhiều loại pháo còn được rao bán qua các trang mạng xã hội.

Tại miền Bắc, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, từ giữa năm 2020, tình hình vận chuyển, nhập lậu pháo nổ trái phép qua biên giới đã âm thầm diễn ra và càng nóng hơn vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Cửa ngõ để tuồn pháo nổ các loại vào Việt Nam là qua địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La và Cao Bằng. 

Tại tỉnh Quảng Ninh, qua theo dõi từ đầu tháng 1-2021, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một đường dây nhập lậu pháo nổ với số lượng lớn từ Trung Quốc vào nội địa qua cửa khẩu Móng Cái và cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Theo đó, từ ngày 31-1 đến 3-2, đường dây này đã bị lực lượng công an của tỉnh Quảng Ninh triệt phá, thu giữ hơn 400kg pháo các loại, bước đầu bắt giữ, xử lý hình sự 8 đối tượng và xử lý hành chính 1 đối tượng. Đây là vụ buôn lậu pháo lớn nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các đối tượng móc ngoặc, hình thành đường dây từ biên giới tới nội địa, sử dụng Zalo để liên lạc, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thu gom pháo nổ từ các đối tượng là người Trung Quốc rồi tuồn hàng vào Việt Nam, sau đó vận chuyển về xuôi tiêu thụ.

Trước đó, từ đầu tháng 12-2020 đến hết tháng 1-2021, lực lượng công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ được 14 vụ với 16 đối tượng vận chuyển, sản xuất pháo trái phép; thu giữ 184,2kg pháo các loại. 

Luật sư Phan Đăng Hữu (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) lưu ý: “Căn cứ theo Nghị định 137, người dân cần thận trọng trong việc sử dụng pháo, đặc biệt là phân biệt được pháo nổ và pháo không nổ. Riêng đối với các loại pháo nổ theo quy định thì pháp luật vẫn nghiêm cấm người dân sử dụng, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”. Do vậy, luật sư Hữu khuyến cáo người dân cần nắm rõ các quy định của pháp luật về việc quản lý, sử dụng pháo. Đặc biệt, tránh cách hiểu chung chung là “được sử dụng pháo”, tạo nên sự nhầm lẫn và dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Pháo không nổ... khó tìm mua

Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM đã triển khai tuyên truyền, nhắc nhở và hướng dẫn người dân hiểu đúng về các khái niệm để sử dụng pháo nổ, pháo hoa và pháo hoa nổ theo đúng Nghị định số 137. Để đảm bảo người dân và các hộ kinh doanh pháo thực hiện đúng Nghị định 137, Phòng PC06 đã tham mưu Ban Giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo công an các quận huyện, tiến hành rà soát, kiểm tra các hộ kinh doanh đối với loại hình này. Hiện PC06 đã tham mưu hướng dẫn cho công an quận huyện, trên cơ sở đó công an quận huyện tham mưu cho UBND quận huyện ban hành văn bản hướng dẫn cán bộ, đảng viên, mặt trận đoàn thể và người dân sử dụng pháo đúng luật và Nghị định 137. 

Lực lượng chức năng các địa phương đã triển khai thực hiện tinh thần Nghị định 137. Thế nhưng, các loại pháo được phép đốt trong dịp tết (pháo không nổ) hiện chưa được bán trên thị trường. Những ngày này, người dân tại TP Đà Nẵng tìm kiếm loại pháo hoa được cho phép bắn để đốt trong thời khắc giao thừa hoặc năm mới. Tuy nhiên theo khảo sát, mặt hàng này tại TP Đà Nẵng gần như không có khiến mọi người thất vọng.

Anh Nguyễn Thiên Vũ (34 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: “Năm nay nghe Chính phủ cho phép đốt loại pháo hoa không nổ nên tôi cũng thử tìm để đốt đón giao thừa. Qua các kênh tuyên truyền, tôi biết được các loại pháo trên được bán tại các cửa hàng do quân đội cấp phép. Nhưng hỏi mấy hàng quán tại các chợ, họ đều lắc đầu vì đó là mặt hàng mới, chưa nhập về nên tôi không tìm nữa”. Còn một tiểu thương chuyên kinh doanh các mặt hàng trang trí lễ, tết tại Chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, các khách đến hỏi mua pháo hoa không nổ đa số là người trẻ, chủ yếu từ 40 tuổi trở xuống. Nhưng đây là mặt hàng mới, sức tiêu thụ thấp nên không tìm nguồn hàng nhập về bán. 

Tương tự tại Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận loại pháo hoa chuyên dụng không có tiếng nổ lưu hành trên thị trường. Trên thực tế, việc sử dụng pháo (loại pháo phát ra tia sáng, không có tiếng nổ, chỉ có âm thanh xè xè...) vẫn được các cá nhân, tổ chức sử dụng khá phổ biến vào các dịp như: lễ, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao...

Ông Nguyễn Bửu Nghi, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Bigsun (một đơn vị tổ chức sự kiện tại TP Cần Thơ), chia sẻ: “Từ trước đến nay, trong các hoạt động tổ chức sự kiện, do nhu cầu của khách hàng, công ty có triển khai pháo sáng tại một số sự kiện như khánh thành, khai trương, hội nghị, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn... Thế nhưng, đây chỉ là loại pháo sáng, pháo không nổ và đảm bảo được các yếu tố an toàn và phòng cháy chữa cháy. Việc ra đời Nghị định số 137 là rất phù hợp và kịp thời. Qua đó, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng pháo có thể căn cứ vào đó mà thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.

Công an TPHCM đã chỉ đạo công an cơ sở tham mưu chính quyền địa phương tổ chức in tài liệu tuyên truyền cho từng hộ dân, hộ kinh doanh, công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, bến xe, nhà ga, các điểm vui chơi công cộng… trên địa bàn ký cam kết không để xảy ra tình trạng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ. Đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị, nếu buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo, để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận huyện, phường xã, thị trấn và Ban Giám đốc Công an TP.

Tin cùng chuyên mục