Đò dọc ngày ấy

Mẹ tôi sinh ra ở thị xã lấy chồng ngược về miệt vườn, trong hơn 30 năm đó có đến 10 năm qua lại hai bên nhà nội ngoại bằng những chuyến đò dọc. Những chuyến đò dài năm ấy gắn liền với những năm tháng vất vả về giao thông của vùng miền Tây sông nước, nhưng là ký ức vô cùng đẹp đối với những người đã từng đặt chân qua.
Đò dọc ngày ấy

Bến Tre quê tôi được bao bọc bởi sông rạch mênh mông chằng chịt. Nhiều năm về trước, đường sá chỉ là những lối mòn nhỏ, quê nghèo cũng ít ai có phương tiện giao thông đường bộ, đò ghe là lựa chọn tốt nhất để đi đường xa. Mẹ kể ngày mẹ lấy chồng, nhà trai đón dâu bằng mười chiếc ghe máy đậu dưới bến đò chợ.

Đường bộ từ nhà ngoại đến nhà nội tôi hơn mười hai cây số, nhưng đi đường sông mất hơn hai tiếng đồng hồ. Khi rước dâu, tiếng cười nói rôm rả cả khúc sông dài. Đến khi đoàn đưa dâu về, mẹ đứng trên bến nhìn lái đò tháo dây cột ghe, đẩy mũi rời bến về chợ mà rưng rưng nước mắt.

Sau khi sinh chị em tôi, mỗi lần về thăm ngoại, không di chuyển bằng ghe máy nữa, ba mẹ con thường ra bến đón đò dọc để tránh nắng gió. Những con đò chợ đi dọc dòng sông thường được đóng bằng gỗ sao với kích thước lớn, chạy bằng máy dầu chở được ba bốn chục người cùng hàng hóa. Mũi đò thường nghếch lên cao hơn so với thân đò, phía trước vẽ hai con mắt to bằng cái chén ăn cơm, tròng mắt vẽ hai màu đen, mũi đò sơn màu đỏ thắm.

Ông bà tôi nói hình vẽ này là tục lệ của vạn đò, để khi lướt sóng khiến thủy quái khiếp sợ không dám đến gần. Đò có mái che chắc chắn, ngồi trong khoang không sợ mưa gió và có cả những khung cửa sổ kéo làm bằng gỗ để khách đóng mở theo ý thích. 

Con sông Bến Tre chia hai nhánh, nhánh sông hướng Tây Nam đổ ra sông Hàm Luông nối nhà ngoại và nội tôi có hai nhà đò, họ thay phiên nhau chạy từng ngày. Mỗi người ở từng khúc sông muốn đi đò phải tự canh giờ đò đến bến của mình để không bị trễ chuyến, vì mỗi ngày đò chỉ chạy hai chuyến vào sáng sớm và giữa trưa. Các bến đò cố định, thường đặt tên theo chủ của ngôi nhà sát bến sông, như bến đò Mười Thiệt, bến đò Năm Sương, bến đò Bảy Đợi…

Ai muốn lên bờ đoạn nào chỉ cần nói tên bến. Còn muốn gọi đò, chỉ cần đúng giờ đứng ngay bến vẫy tay, đò sẽ tấp vào đón. Qua lại mỗi ngày nên những người đi đò dọc hầu như đều là người quen của chủ đò. Trên chuyến đò dài đó, hành khách luôn bắt chuyện với nhau. Còn bọn trẻ chúng tôi chỉ mơ ước được ngồi trên mũi hoặc nóc đò để được gió thổi phần phần vào mặt và ngắm hàng dừa, dãy bần chạy dài bờ sông và chờ khi đò ghé bến với tay hái những trái bần chín thơm lừng. 

Không có xe cộ, đò dọc thời đó cũng chuyên chở, giao nhận hàng hóa. Lúc đó, nhà nào xài tivi phải dùng bình sạc. Mỗi khi hết bình chỉ cần ra đón đò gửi bình, nhà đò đem lên điểm sạc trên thị xã, hai ba ngày sau ra lấy về giao cho chủ.

Chủ tiệm, chủ cơ sở ở các chợ nhỏ muốn mua hàng ở các đại lý trên thị xã chỉ cần ghi toa (đơn hàng) đưa chủ đò lấy hàng về. Trên khúc sông đó có một tập tục lâu đời của người dân miền Tây là cắm cây bẹo hàng. Những nhà ở ven sông muốn bán cam, xoài, chuối, khoai sắn, bắp, mía… sẽ cắm một cây sào ngay bến sông treo ít sản phẩm lên, chỉ cần đứng từ xa nhìn vào là đã biết trên bờ đang bán những mặt hàng nào.

Những ai muốn mua phải nhanh tay nhanh chân chọn hàng vì nhà đò không chờ khách lâu.

Đi đò cũng gắn với những câu chuyện buồn vui của con nước ròng nước lớn. Người Bến Tre hay nói câu “mùng mười nước rong ba mươi nước cạn”, đúc kết từ kinh nghiệm nhìn con nước, tức là đến mùng mười âm lịch khi con nước lớn, nước sẽ dâng cao hơn bình thường, còn ngày ba mươi âm lịch nước lớn nhanh nhưng cũng ròng (rút đi) nhanh.
Nếu đi đò vào những buổi con nước lên ngập xăm xắp bờ, đò đậu vào bến theo nước dâng cao hơn mặt đất cả mét, chủ đò phải thả thang cho khách leo xuống bến. Hôm nào nước cạn sẽ vất vả hơn vì con đò nằm gần đáy sông, khách phải xăn ống quần leo xuống những cây thang hoặc cây dừa (được chặt hình bậc thang) đặt nghiêng cố định ở dưới bến sông mới lên được đò. Những lúc như vậy nếu không cẩn thận có thể bị trợt chân vào bùn đất khiến quần áo lấm lem.

Khi ấy, tôi thích nhất là được mẹ dắt về nhà ngoại. Vì bến đò chợ ngay bến sông gần nhà ngoại là nơi buôn bán nhiều đồ ăn vặt nhất xứ Bến Tre bấy giờ. Nào là bánh mì thịt, bánh bò, xôi, trái cây và hấp dẫn nhất là những bịch nước ngọt xanh đỏ treo lủng lẳng trên những chiếc quay xách bằng inox mấy đứa con nít cầm xuống từng con đò mời chào khách mua.

Mỗi khi kết thúc chuyến thăm ngoại, xuống đò về lại nhà, ngoại thường mua cho chúng tôi những món quà vặt ấy để nhâm nhi suốt đoạn đường sông nước dài dằng dặc. Sau này ngoại mất, các cậu đưa mẹ con tôi xuống đò cũng không quên mua cho hai đứa cháu mấy ổ bánh mì và bịch nước ngọt như vậy.

Khoảng mười năm sau khi mẹ tôi về làm dâu miệt vườn, giao thông đường bộ dần phát triển hơn, ban đầu là đường đá đỏ rồi đến đường bê tông hiện đại. Những chuyến đò dọc đến nay vẫn ngày đêm chăm chỉ, cần mẫn đi dọc con sông dài mỗi ngày hai bận. Nhưng con đò chủ yếu chở hàng vì hành khách đã chọn phương tiện giao thông đường bộ nhanh và tiện hơn. Đi đò dọc trở thành câu chuyện trong ký ức.

Nhưng với tôi mỗi lần về quê, ra bến sông ngồi nhìn sóng nước mênh mông dập dềnh, nghe tiếng ghe đò nổ máy giòn giã, vẫn thấy lòng nao nao, thèm được nhỏ lại như năm nào, để mỗi lần đò cập bến lại thấy nội tôi, ngoại tôi đội nón lá cười móm mém đón cháu về nhà.

Tin cùng chuyên mục