Đìu hiu siêu dự án

Với số vốn hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD nhưng những “siêu dự án” đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bất động sản ở khu vực miền Trung đã không được triển khai thực hiện, thậm chí “bỏ của chạy lấy người” và để lại những hậu quả, bức xúc đối với chính quyền và người dân trong vùng dự án.
Đìu hiu siêu dự án

Với số vốn hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD nhưng những “siêu dự án” đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bất động sản ở khu vực miền Trung đã không được triển khai thực hiện, thậm chí “bỏ của chạy lấy người” và để lại những hậu quả, bức xúc đối với chính quyền và người dân trong vùng dự án.

Những chiếc... bánh vẽ

Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Biển Rồng được tỉnh Quảng Nam cấp phép đầu tư tại vị trí thuộc loại đắc địa nhất ở khu ven biển nối giữa TP Đà Nẵng và TP Hội An (Quảng Nam). Dự án được cấp phép vào tháng 9-2009 với tổng vốn lên đến 4,1 tỷ USD, lớn nhất miền Trung vào thời điểm dó. Theo thuyết trình của chủ đầu tư, dự án này được thực hiện trên diện tích 400ha tại phường Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) gồm xây dựng khu công viên sát bãi biển, hệ thống khách sạn cao cấp 5 sao, khu vui chơi giải trí có thưởng, 9 tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế 10.000 chỗ ngồi, trung tâm thương mại quốc tế, khu căn hộ và biệt thự cao cấp... được triển khai từ năm 2010 đến năm 2019.

Để xây dựng Khu đô thị Đa Phước, nhà đầu tư đã lấp 180ha trên vịnh Đà Nẵng, làm biến dạng hệ sinh thái nơi đây

Thế nhưng, sau khi được cấp phép, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bãi Biển Rồng, liên doanh với các đối tác của Mỹ, gồm Tano Capital LLC và Global C&D INC, không thực hiện các điều khoản đã cam kết. Đồng thời, cũng không tiến hành lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư… Đến khi tỉnh Quảng Nam ra “tối hậu thư” buộc triển khai dự án cũng như nộp tiền ký quỹ thì chủ đầu tư “bỏ của chạy lấy người”.

Cũng thuộc loại “đình đám”, dự án Khu đô thị Đa Phước được UBND TP Đà Nẵng cấp phép đầu tư vào tháng 11-2007 trên tổng diện tích 210ha tại khu vực vịnh Đà Nẵng với tổng vốn 300 triệu USD, do Công ty TNHH Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Deawon) làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án này, 180ha trên vịnh Đà Nẵng phải bị san lấp và đây là dự án lấp biển lớn nhất miền Trung. Cũng như chủ đầu tư dự án Bãi Biển Rồng, để thuyết phục lãnh đạo TP Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án này cũng “vẽ” ra viễn cảnh hào nhoáng khi dự án hoàn thiện. Nào là khu phức hợp resort, sân golf 18 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, bến cảng dành cho du thuyền, khách sạn quốc tế, trung tâm hội nghị quốc gia, các trung tâm thương mại và chung cư với quy mô 8.500 căn hộ… Những năm sau đó, dự án có triển khai vài hạng mục rồi bất ngờ dừng hẳn từ năm 2013 đến nay. Hiện hàng trăm hécta của dự án này bị bỏ hoang cho cỏ mọc.

Cũng trên địa bàn TP Đà Nẵng, dự án Khu đô thị Thien Park của Công ty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành (TPHCM) dường như đổ vỡ trước cả khi ông chủ của công ty này là Trương Vỹ Kiến bị Bộ Công an điều tra với cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vào năm 2014. Dự án có quy mô 1.600 tỷ đồng được quảng bá là khu đô thị lý tưởng “tựa núi, hướng biển”, nhưng đến nay trở thành... bãi chăn bò.

Tuy nhiên, nếu nói dự án lùm xùm, tai tiếng và đáng lo nhất ở Đà Nẵng hiện nay chính là Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng do Tập đoàn Thiên Thanh làm chủ đầu tư. Dự án được giao 6ha đất ngay giữa trung tâm TP Đà Nẵng và đặc biệt vị trí của dự án được cấp phép là sân vận động Chi Lăng đã gắn bó với khán giả và đội bóng Quảng Nam - Đà Nẵng từ những năm 1990. Với tổng số vốn nhà đầu tư tuyên bố bỏ ra khoảng 1 tỷ USD sẽ biến nơi này thành trung tâm thương mại sầm uất nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thế nhưng, từ khi được TP Đà Nẵng giao đất (2010) đến nay, khu đất này không biết may hay rủi vẫn còn là… sân bóng của đội SHB Đà Nẵng.

Hệ quả khôn lường

Điều đáng nói, để giao đất cho Tập đoàn Thiên Thanh, TP Đà Nẵng phải giải tỏa 70 hộ dân trong khu vực. Và cũng chính từ đây đã phát sinh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp về đất đai ở Đà Nẵng trong suốt thời gian dài. Đến khi Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ TN-MT cùng các bộ, ngành liên quan vào Đà Nẵng tổ chức đối thoại giữa các hộ dân bị giải tỏa với chính quyền TP Đà Nẵng thì tình trạng trên mới cơ bản chấm dứt. Tuy nhiên, ông Lê Phú Cường, một trong những hộ dân bị giải tỏa ở đây vẫn bức xúc: “Vì sự phát triển chung của thành phố, chúng tôi chấp hành việc giải tỏa mặc dù chịu không ít thiệt thòi. Thế nhưng, lấy đất của chúng tôi giao cho ai thì không giao, đằng này đi giao cho nhà đầu tư có nhiều tai tiếng và yếu về năng lực tài chính thì thành phố cần phải xem lại. Mỗi lần đi ngang khu vực này, thấy sân vận động Chi Lăng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi dự án không chịu triển khai thấy xót cả ruột gan”.

Trong khi đó, việc lấp 180ha vịnh Đà Nẵng để làm dự án Khu đô thị Đa Phước đã lấy đi chỗ neo đậu tàu thuyền của hơn 100 hộ ngư dân và bãi tắm biển của người dân quanh khu vực. Không những thế, trong quá trình san lấp, một lượng bùn đất rất lớn đã làm bồi lấp vịnh, gây biến dạng hệ sinh thái nơi đây khiến nhiều nhà khoa học không khỏi lo lắng.

Đối với dự án Bãi Biển Rồng, đến nay tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, những hệ lụy mà dự án này để lại hiện người dân trong khu vực đang phải gánh chịu. Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Điện Dương, cho biết: Có hơn 500 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án Bãi Biển Rồng. Hầu hết người dân nơi đây đều làm nghề nông - ngư nghiệp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhiều hộ sở hữu đến hàng ngàn mét vuông đất, muốn bán một phần để cải thiện cuộc sống, cho con cái học hành nhưng không được. Thậm chí nhiều nhà bị xuống cấp nghiêm trọng cũng không được sửa chữa vì “dính” quy hoạch. Bởi sau khi dự án Bãi Biển Rồng bị thu hồi giấy phép, diện tích đất trên đã được giao cho Công ty CP Đất Quảng Chu Lai để làm khu phức hợp nhà hàng khách sạn, nhưng sau đó cũng không thấy động tĩnh gì. Nhiều lần gặp chủ đầu tư mới, chúng tôi thắc mắc sao vẫn chưa chịu triển khai dự án, tiến hành giải tỏa đền bù cho dân đỡ khổ thì nhận được câu trả lời là do tình hình tài chính của công ty đang gặp khó khăn. Thế là người dân ở đây vẫn tiếp tục chịu khổ và đối mặt nguy hiểm đến tính mạng vì dự án “treo chồng treo”.

Ông Hoàng dẫn chứng, trong cơn bão số 11 hồi tháng 10-2013, do nhà của người dân không được sửa chữa nên khi cơn bão quét qua đã có hơn 90% ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, sụp hoàn toàn. Rất may, người dân kịp sơ tán chứ nếu không thiệt hại về người còn khủng khiếp hơn. Cũng chính vì thế, sau mỗi lần có bão quét qua, số hộ nghèo trên địa bàn lại tăng lên.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục