Đìu hiu nhà văn hóa phường, xã

Sau đại dịch Covid-19, một số nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao phường, xã ở TPHCM trở nên hoang vắng, đìu hiu; nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng nặng, không đáp ứng việc phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn. 
Khu trò chơi thiếu nhi tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Thông Hội bỏ hoang phế
Khu trò chơi thiếu nhi tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Tân Thông Hội bỏ hoang phế

LTS: Kính thưa bạn đọc, từ số báo hôm nay, hàng tuần, trên trang 6 Văn hóa - Giải trí, Báo Sài Gòn Giải Phóng mở chuyên mục “Câu chuyện văn hóa”, phản ánh các câu chuyện về văn hóa xã hội, văn hóa cơ sở, văn hóa ứng xử… tại TPHCM và các địa phương; các điển hình tiên tiến, cũng như những tồn tại trong thực thi nền văn hóa công vụ. 


Trân trọng mời bạn đọc gửi bài viết tham gia chuyên mục qua các thể loại báo chí: Tin ảnh, bài phản ánh, bình luận, ý kiến… Tin, bài, ảnh xin gửi về email: toasoan@sggp.org.vn (ghi chú: Gửi chuyên mục “Câu chuyện văn hóa”).

Tại Nhà văn hóa phường 11 (quận 3), số 933 Hoàng Sa, hơn 1 năm nay không có hoạt động văn hóa, giải trí nào, nhiều hạng mục đã hư hỏng, mục nát, hiện đang được tháo dỡ để cải tạo lại cho tư nhân thuê mở cửa hàng bán xe đạp, dụng cụ thể thao. Mang tiếng là nhà văn hóa phường, nhưng nơi đây hầu như chẳng có hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi nào phục vụ cư dân trong khu vực, vì bên trong không có trang thiết bị gì ngoài mấy chiếc bàn ghế và một tủ sách với vài quyển sách cũ.

Quận 10 thì có Nhà văn hóa phường 1 (63 Lý Thái Tổ) và Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường 10 (545/1 Lê Hồng Phong) với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư khá lớn, nhưng nhiều năm qua cũng hoạt động cầm chừng, rất ít người dân đến sinh hoạt, giải trí. Khi nghe chúng tôi hỏi về hoạt động của các câu lạc bộ cờ tướng, cờ vua, cầu lông tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường 10, một nhân viên bảo vệ dân phố trực bên ngoài, nói: “Mấy câu lạc bộ đó ngừng hoạt động lâu rồi. Giờ chỉ còn mỗi câu lạc bộ đờn ca tài tử với vài người đến sinh hoạt. Còn các hoạt động thể dục thể thao thì lâu lắm rồi không thấy tổ chức gì”. 

Tương tự, tại Nhà văn hóa phường 1 (quận 10), mặt bằng tầng trệt và các tầng phía trên đều dành cho các hoạt động thương mại, trưng bày, giới thiệu các loại hoa, trái cây của chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Mặt bằng khá rộng, phía trước trung tâm là bãi giữ xe có thu phí và cho thuê bán bánh trung thu, quầy nước giải khát, trông rất nhếch nhác, không còn là nơi sinh hoạt văn hóa, giải trí cho cư dân trên địa bàn.

Đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã nông thôn mới Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), chúng tôi hết sức bất ngờ trước cảnh hoang phế, trang thiết bị xuống cấp tại đây. Khuôn viên trung tâm khá rộng với sân vận động, sân bóng chuyền, khu đa năng, công viên nước đã lâu không hoạt động nên cỏ mọc um tùm. Khu sinh hoạt thiếu nhi với các loại trò chơi, xe điện, cầu tuột, mô hình máy bay hư hỏng chất thành đống. Ngay cổng chính dẫn vào khu vui chơi thiếu nhi, hồ bơi là quán cà phê giải khát, giăng dây thép treo phơi quần áo. “Mấy tháng hè vừa qua có hoạt động gì không anh?”, chúng tôi hỏi. “Lâu lắm rồi đâu có hoạt động gì đâu, bỏ không vậy đó hà”, người đàn ông trông coi quán cà phê trả lời.

Bên trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao là nhà thi đấu, thư viện, phòng đọc sách, các phòng sinh hoạt câu lạc bộ đều đóng cửa, bụi bặm, rác thải khắp lối đi. Tại phòng Ban chủ nhiệm trung tâm có 2 nhân viên trực, một nam, một nữ, khi chúng tôi hỏi về các hoạt động văn hóa - thể thao tại đây, nhân viên nam cho hay: “Sáng nào người dân trong khu vực cũng tới đi bộ, tập thể dục. Còn các hoạt động văn hóa vẫn hoạt động bình thường mà”. Thế nhưng, khi hỏi một số người dân sinh sống ở khu nhà phía trước trung tâm, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Đâu có hoạt động gì mấy năm rồi. Cửa lúc nào cũng mở cho người dân vào cắt cỏ; còn chiều tối, người dân đến đạp xe, đi bộ thôi”.        

Thực tế trên tồn tại ở một số quận huyện, phường xã tại TPHCM từ nhiều năm qua. Người dân luôn mong mỏi có những điểm vui chơi, giải trí bổ ích và đặc biệt là trong xu hướng hội nhập như hiện nay, việc giải trí sẽ không dừng lại ở cái cầu tuột, hay máy bay mô hình cũ mèm, mà ở những trò chơi hiện đại, tiệm cận đời sống văn hóa ngày càng phát triển của bà con.

Tin cùng chuyên mục