Đình Tân Túc... chờ sập

Đình Tân Túc trên đường Nguyễn Hữu Trí, khu phố 2, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) được xây dựng vào năm 1836 và được coi là di tích cổ xưa nhất trên địa bàn huyện Bình Chánh. Ngôi đình cổ này còn là một trong những biểu tượng văn hóa lâu đời về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử vùng đất Gia Định xưa. Thế nhưng, hiện ngôi đình đang xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Đình Tân Túc xuống cấp trầm trọng
Ông Huỳnh Văn Hà, Trưởng ban Hội hương kiêm Phó ban Quản lý Di tích đình Tân Túc được cử đứng ra trông coi ngôi đình trong nhiều năm qua, không khỏi xót xa khi thấy ngôi đình càng ngày càng xuống cấp, các khu chánh điện, gian thờ hoang phế và nhiều cổ vật hư hỏng do mưa dột, nước ngập. Nhìn từ bên ngoài, ngôi đình lọt thỏm xung quanh những khu nhà cao tầng, thấp hơn so với mặt đường Nguyễn Hữu Trí đến gần nửa mét.

Ông Huỳnh Văn Hà nói: “Mưa xuống là dột tứ tung, rồi nước phía ngoài đường đổ xuống, nước sông Chợ Đệm phía sau dâng lên ngập đến cả mét, tràn vào chánh điện, các gian thờ. Vách gỗ, hàng cột bao quanh và các cánh cửa ngâm nước mục hết…”.

Đình Tân Túc là ngôi nhà vuông có 4 cột cái, các cột kèo gỗ chạm khắc tinh xảo, tường gạch màu vàng đậm, mái ngói âm dương xen kẽ nhau. Đình xây theo lối kiến trúc mở rộng ra 4 mặt xung quanh, ở giữa là nơi thờ tự. Hiện, kèo gỗ nâng mái nhiều chỗ mục gãy, sụp vỡ các hàng ngói lộ ra những mảng to. Phía sau chánh điện là khu hậu hiền thờ cúng những vị tiền hiền, khai công mở đất, chúng tôi thấy nền nhà nhiều chỗ đã bị sụp lún, gạch vỡ nham nhở. Mái ngói gian phụ bên phải trơ ra hàng kèo đỡ cũng đã mục nát. Men theo các lối đi ngập cỏ cây và sình, nước lên tận mắt cá chân, chúng tôi đi ra phía sau đình, giáp mép nước sông Chợ Đệm. Nước sông xói mòn bờ kè, tạo ra những hố sâu ngập nước, cỏ cây mọc um tùm. Cạnh ngôi đình là nhà thờ cúng lễ các anh hùng liệt sĩ, người có công và khu triển lãm, trưng thờ những hiện vật xưa cũng hoang phế, sụp lún, ngập trong sình nước. Ông Hà cho biết, nhiều cổ vật quý hiếm như: hạc cưỡi quy, phèng la, chiêng, trống, đao, kiếm, các bộ liễn… bị nước ngập hư hỏng nhiều.

Đình Tân Túc có giá trị lịch sử to lớn, năm 1930, đây là nơi hội họp của Xứ ủy Nam kỳ, điểm tập kết của nhân dân 3 xã Tân Túc, Tân Nhựt, Bình Chánh đấu tranh đòi giảm thuế, chia lại công điền, chống bắt phu. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Tân Túc còn là nơi tập hợp lực lượng nổi dậy cướp chính quyền, trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Tân Túc và địa điểm đóng quân của Đại đội Tân Túc thuộc bộ đội Chợ Đệm, các chiến sĩ Quốc vệ đội…

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đình Tân Túc là nơi duy trì hộp thư bí mật của chi bộ đảng cơ sở và địa điểm hợp pháp để thông tin liên lạc, nơi che giấu lực lượng du kích xã hoạt động trong lòng địch. Với giá trị lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng và những giá trị văn hóa, đình Tân Túc được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định số 325/2003/QĐ-UB của UBND TPHCM. Người dân thị trấn Tân Túc và huyện Bình Chánh khẩn thiết kiến nghị đến các cấp chính quyền thành phố sớm trùng tu, sửa chữa lại ngôi đình cổ này, trước khi nó đổ sập bất cứ lúc nào.

Tin cùng chuyên mục