Định hướng giải trí đề cao giá trị nhân văn

Ồn ào của chương trình Sau ánh hào quang số 10 trên HTV với câu chuyện của nghệ sĩ Lê Giang một lần nữa cảnh báo những người thực hiện các chương trình giải trí, trên truyền hình và các mạng xã hội, phải hết sức thận trọng để tạo các sản phẩm tốt, vừa phục vụ nhu cầu giải trí, vừa định hướng các giá trị nhân văn.
Những game show hài với một số gương mặt xuất hiện liên tục làm khán giả “bội thực”
Những game show hài với một số gương mặt xuất hiện liên tục làm khán giả “bội thực”
Chạy theo thị hiếu
Phải nói rằng, nhu cầu của công chúng hiện nay rất đa dạng và khá phức tạp. Đã qua rồi cái thời các nhà sản xuất cung cấp thứ gì thì công chúng chỉ được thưởng thức thứ ấy. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội và các trang web có chức năng chia sẻ, công chúng có rất nhiều sự lựa chọn theo thị hiếu của mình và trào lưu chung. Trong điều kiện đó, các cơ quan truyền thông, nhất là các đài phát thanh, đài truyền hình, phải không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức thể hiện và bám sát thị hiếu của công chúng. 
Có một dạo, các chương trình ca nhạc theo yêu cầu thu hút được khá đông người nghe, người xem. Nhưng dần dần nó không còn hấp dẫn nữa, bởi công chúng có thể sử dụng internet để chọn lựa những ca khúc mình yêu thích, không cần đến nhà đài. Thay vào đó, các game show, các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình phát thanh trực tiếp có tương tác trực tiếp với khán thính giả… lại “đắt hàng” hơn. Nhưng rồi cũng không bền, vì thị hiếu nhanh thay đổi, các nhà đài lại liên tục cạnh tranh để có những chương trình mới hơn, hấp dẫn hơn. Trong khi đó, yêu cầu tự cân đối tài chính khiến nhiều đài phải làm mọi cách để tăng chỉ số rating, từ đó mới thu hút được tài trợ, quảng cáo. Việc liên kết sản xuất các chương trình ít được giám sát về mặt nội dung, bị bỏ qua về mặt định hướng tư tưởng… đã để lọt những “hạt sạn” không nhỏ trên sóng. Một số công ty truyền thông, nhóm diễn viên thực hiện các chương trình độc lập để phát trên YouTube cũng có thể bỏ qua những yêu cầu khắt khe về tính thẩm mỹ, miễn sao thu hút được nhiều lượt view nhất có thể, là coi như thắng lợi!
Chính vì vậy, “sạn” ở một số chương trình ngày một nhiều. Thường là quá dung tục, như có người tham gia một chương trình truyền hình thực tế đã cởi gần như hết quần áo để được… nhẹ ký, hay một thí sinh nói một từ không lấy gì thanh tao lại thắng giải cao trong cuộc thi hài… Một số game show hay lợi dụng những đặc điểm về lứa tuổi, giới tính để thu hút người xem, như cho trẻ em diễn những tiết mục hay hát những bài của người lớn, thực hiện gái giả trai hoặc trai giả gái quá lố để gây tiếng cười…
Có những chương trình cố lấy nước mắt người xem bằng những câu chuyện tưởng thật hóa ra giả hoặc liên quan đến những nhân vật khác mà yếu tố quyền riêng tư lại bị xem nhẹ… Nhiều chương trình hài mà trong đó, một số gương mặt xuất hiện liên tục, khiến người xem như bị “bội thực”. Quá nhiều chương trình liên quan đến dòng nhạc bolero, trong khi khả năng “cảm” của người tham gia không phải lúc nào cũng hợp lý… Một số chương trình giải trí được phát trên YouTube có nội dung không thực sự phù hợp về bản quyền, về thuần phong mỹ tục… nhưng việc kiểm soát thường khó khăn…
Giảm sự dung tục và tầm thường
Trong bối cảnh đó, một mặt cần hoàn thiện hệ thống các quy định để có thể chế tài nghiêm khắc các trường hợp vi phạm pháp luật (như xâm phạm đời sống cá nhân, vi phạm tác quyền…), vi phạm thuần phong mỹ tục, có nội dung sai lệch về mặt chính trị… Cũng cần nâng cao trách nhiệm biên tập, quản lý của các nhà đài, các công ty truyền thông. Dù theo quy định, các chương trình liên kết không cần phải xin phép, nhưng bản thân nhà đài không thể “khoán trắng” cho đối tác mà cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Các cơ quan chức năng cần phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò hậu kiểm.
Đồng thời, các cơ quan truyền thông cần phê phán mạnh mẽ các biểu hiện lệch lạc của các công ty truyền thông, các diễn viên, các nhà sản xuất… dễ dãi, cẩu thả hoặc chỉ chạy theo thị hướng tầm thường mà không chú ý nâng khán giả, công chúng - những đối tượng phục vụ của mình - lên cao hơn. Vai trò của các hội nghề nghiệp cũng cần được phát huy nhiều hơn, để bồi dưỡng, nhắc nhở hội viên của mình thực hiện tốt hơn chức năng phục công chúng, chứ không phải “theo đuôi” công chúng.
Xét cho cùng, dù chỉ để tạo ra tiếng cười hay để phục vụ sự quan tâm nhất thời của công chúng, các chương trình giải trí cũng không thể bỏ qua yếu tố tôn trọng pháp luật, hướng đến các giá trị nhân văn và bảo đảm yêu cầu về chân - thiện - mỹ trong mỗi tiết mục, mỗi chương trình. Chẳng hạn, đằng sau ánh hào quang, sự nổi tiếng của mỗi người nên lột tả sự khổ luyện, vượt khó, những bài học cần rút ra… để người nghe, người xem có thể học thêm được những bài học về phương pháp vượt khó, về ý chí, nghị lực của họ. Hay những tiếng cười không chỉ để vui, để sảng khoái mà nên góp phần phê phán, đấu tranh một hiện tượng không lành mạnh nào đó của xã hội… Chương trình dẫu có lấy nước mắt của người xem thì cũng cần chú trọng đến việc để lại những bài học quý, thay vì tạo ra sự thương cảm giả tạo…
Đừng tưởng rằng, một chương trình có người xem rất đông đã là thành công, mà phải xem chương trình đó đọng lại gì trong lòng người xem, tác động tích cực gì đến nhóm công chúng hoặc xã hội. Khi nhà sản xuất ý thức được điều đó, hẳn các chương trình giải trí tầm thường, dung tục sẽ giảm nhiều!

Tin cùng chuyên mục