Định hướng cho tuổi ương bướng

“Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Câu nói của ông bà xưa thật đúng trong nhiều trường hợp. Tính cách của các bé lúc còn nhỏ thường chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, nhưng khi đến tuổi dậy thì - độ tuổi mà người nhiều kinh nghiệm nuôi con hay gọi là “tuổi dở dở ương ương”, chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn trẻ con, tính cách, lối sống, cách ứng xử… đa số các em dễ bị ảnh hưởng từ môi trường giao tiếp xung quanh. 
Gần gũi và chia sẻ cùng con trên bước đường trưởng thành Ảnh: QUÂN NAM
Gần gũi và chia sẻ cùng con trên bước đường trưởng thành Ảnh: QUÂN NAM

1. Ngọc Linh 15 tuổi, con gái chị Thanh (ngụ quận 10, TPHCM) đi học về, chào vội người lớn, rồi vào phòng riêng đóng cửa. Chị Thanh phát rầu vì 2 năm nay con bé chỉ thích gói gọn cuộc sống, việc học tập, ăn uống, thú vui giải trí cá nhân trong 4 bức tường của phòng riêng cùng chiếc điện thoại. Cái tôi của Linh khá lớn, em ít chịu sinh hoạt chung với mọi người trong gia đình và không muốn quan tâm đến ai hay việc gì trong nhà, kể cả giúp mẹ những việc vặt. Trong phòng riêng, Ngọc Linh bày bừa đồ đạc bởi thói quen đụng đâu quăng đó. Tuy giữ không ít thói quen xấu lúc ở nhà, thế nhưng, khi em bước ra đường, người ngoài chỉ thấy được một cô bé trung học xinh xắn, sạch sẽ, ngoan ngoãn, đứng gần thơm phức mùi nước hoa. 

Chị Thanh đã nhiều lần to nhỏ nói chuyện, giảng giải, khuyên răn con. Có lúc bức bối quá, chị cũng lớn tiếng rầy la, nhưng Linh vẫn cứ y vậy. Nhiều bữa, hai mẹ con tranh luận các vấn đề gay gắt, Ngọc Linh không ít lần lớn tiếng quát lại mẹ, sắc mặt con bé đầy sự khiêu khích, ánh mắt lộ vẻ bất cần, khiến chị Thanh giận run người. Chị cố gắng lắm mới kiềm chế cơn giận để không đánh con bé. Sau đó, chị lại khóc hết nước mắt… Đã bước vào ngưỡng tuổi U.50, nuôi con có cực khổ mấy chị cũng không ngại, nhưng dạy con không được là nỗi lo khôn nguôi của người mẹ luôn yêu chiều con hết mực. Nhiều lúc bất giác buột miệng, chị Thanh cảm thán: “Mẹ dạy con hết nổi!”.

Than vãn chuyện con cái với hội những bà mẹ có con tuổi vị thành niên trong công ty, chị Thanh nhận được ngay sự đồng cảm của không ít người. Nhiều chị bạn cũng tâm sự, con gái hay con trai đồng trang lứa với bé Linh ở nhà cũng như thế: “Tụi nó chỉ biết rúc trong phòng, ôm cái điện thoại, không biết ba mẹ tên gì luôn”. Rồi mấy bà mẹ cùng bày tỏ đủ chuyện khó khăn trong nuôi dạy con và những vấn đề của tuổi dậy thì, cái tuổi chất đầy sự ngang ngạnh, ương bướng, muốn khẳng định tính cách và sự mới chớm trưởng thành. Sau hết, những bà mẹ có cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng bộc bạch: “Thôi kệ, rầy la thì cứ rầy la, hy vọng đến lúc nào đó chững chạc hơn tụi nhỏ sẽ thay đổi, sẽ khác đi!”.

2. Trái ngược với chị Thanh, cũng như hội những bà mẹ chịu nhẫn nhịn và “bó tay” với tính thất thường của con trẻ, chị Trần Thị Trang (quận Tân Bình, TPHCM) rèn con khá nghiêm ngay từ nhỏ. Chị mày mò tìm hiểu thông tin về tuổi dậy thì thời nay, sau đó lên kế hoạch để từng bước rèn tính cách cho con, định hướng sự phát triển nhân cách, tâm sinh lý… 

Thực ra, kế hoạch của chị đơn giản chỉ là sự tìm hiểu kỹ quan điểm cá nhân của con, gần gũi, chia sẻ, quan tâm mọi vấn đề của con trẻ. Lúc nào chị cũng nhỏ nhẹ chỉ dẫn, đưa ra nhiều tình huống đời sống về sự phát triển sai lệch trong tính cách của lứa tuổi vị thành niên và những hậu quả để lại cho con gái nghe, từ đó cho con tự cảm nhận việc nào nên làm và điều gì cần tránh. Bên cạnh đó, chị cũng có quy định về giờ giấc ăn uống, học tập, vui chơi giải trí... mà hai mẹ con cùng đưa ra thảo luận và thống nhất tuân thủ, cách thức thực hiện cũng phù hợp vào từng thời điểm, hoàn cảnh. Chiếc điện thoại thông minh sắm cho con để phục vụ nhu cầu liên lạc, học tập, trao đổi với bạn bè cũng được chị Trang “giao kèo” rành mạch với con về thời gian và mục đích sử dụng, đặc biệt, con không được cài mã khóa điện thoại... 

Ngoài ra, chị cũng khuyến khích con gái làm một số công việc nhà như quét nhà, lau nhà, rửa chén, đổi lại thi thoảng chị sẽ nấu cho con những món ăn con thích, thưởng cho con gái một số món đồ con thích khi con làm việc nhà thật tốt. Khi chị nấu ăn, con gái không bận việc gì thì sẽ xuống bếp xem cách chị làm bếp, hạn chế dành quá nhiều thời gian vào chiếc điện thoại. Song song đó, chị Trang vẫn cho con không gian riêng tư với phòng cá nhân, con có thể do bận rộn việc học mà bày bừa đồ đạc nhưng sau đó chính con gái phải dọn dẹp thật sạch sẽ vì mẹ sẽ kiểm tra vào ngày cuối tuần. 

Rất nhiều vấn đề được thương thảo giữa hai mẹ con rồi cùng nhau thực hiện, đã giúp cho mối quan hệ trong gia đình thêm khắng khít, gắn bó. Cô con gái nhờ vào sự rủ rỉ rù rì, nhỏ to tâm sự, luôn ở cạnh bên chia sẻ mọi việc lớn nhỏ cùng mẹ nên đã có một quãng thời gian trung học yên bình, sự phát triển tâm sinh lý của bé cũng ổn định hơn so với nhiều bạn cùng tuổi. Chị Trang nói: “Thật ra, lứa tuổi dậy thì không dễ dàng dạy bảo. Bé nào tính cách càng mạnh mẽ thì sự phản kháng càng mạnh để khẳng định bản thân. Nhưng chỉ cần bậc làm cha mẹ cố gắng hết sức trong việc gần gũi, chia sẻ cùng các con trong mọi vấn đề của cuộc sống, từ học tập, vui chơi, đến cả mối quan hệ tình cảm ở lứa tuổi dậy thì, sẽ sớm tìm được tiếng nói chung với các con trong hành trình phát triển tâm sinh lý, giúp con từng bước trưởng thành”. 

Thực ra, rèn dạy con, giáo dục con nên người mỗi người luôn có cách thức khác nhau. Quan trọng hơn hết vẫn là bậc làm cha mẹ có chịu khó quan tâm, dành thời gian để theo dõi, sẻ chia, hỗ trợ và cùng con lớn lên từng ngày, theo sát từng giai đoạn con trưởng thành hay không mà thôi.

Tin cùng chuyên mục