Định hình, tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống cây xanh

Công viên Văn Lang (quận 5, TPHCM) vừa được cải tạo, nhưng với nhiều người dân thành phố, “niềm vui chẳng tày gang” vì ngay sau đó nhiều cây xanh lớn ở đây đã rơi vào tình trạng “hấp hối” khi trơ cành, trụi lá… Nhìn từ hiện tượng này tới việc phải làm sao để phát triển mảng xanh trong đô thị?

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Quang Diệp, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TPHCM, xung quanh vấn đề này.   

Ngột ngạt với bê tông

PHÓNG VIÊN: Hiện có nhiều cây xanh lớn trên địa bàn TPHCM “bỗng nhiên” yếu, thậm chí chết. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?

TS ĐINH QUANG DIỆP: Thành phố thiếu quỹ đất cho mảng xanh, nên việc tạo một không gian đủ cho cây xanh phát triển rất khó. Đã “ngột ngạt” như thế lại phải thường xuyên “chịu” thêm tình trạng bê tông hóa nên bộ rễ của cây càng ngày càng yếu, khiến cây dễ chết. Cụ thể, ngoài nguyên nhân về thời tiết như mưa bão làm cây gãy đổ thì còn nhiều nguyên nhân trong quá trình phát triển đô thị, dẫn đến khả năng cây xanh bị chết.

Thứ nhất, do quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều vỉa hè luôn bị đào xới để lắp đặt, sửa chữa hệ thống hạ tầng ngầm, làm cho rễ của nhiều loài cây xanh trồng ở đây bị xâm hại. Thứ hai, hệ rễ của một số loài cây phát triển kém trong điều kiện đất đai ở đô thị hoặc do trồng chưa đúng kỹ thuật.

Một số loài cây có hệ rễ ăn ngang, song công tác cắt tỉa cành chưa kịp thời làm cho cây dễ ngã đổ. Một số cây xanh đã già cỗi, hệ thống rễ bị mục nhưng không phát hiện được bằng mắt thường để xử lý kịp thời. Cuối cùng, hiệu ứng đường hầm do việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của rễ cây, làm cây yếu, chết.

Trong trường hợp cụ thể ở Công viên Văn Lang, theo ông, tại sao sau khi công viên được cải tạo thì nhiều cây rụng lá, yếu đi thấy rõ? 

Tình trạng này không phải mới, mà ở nhiều tuyến đường, công viên sau khi được cải tạo theo hướng bê tông hóa thì sẽ có cây chết. Nguyên nhân có thể do bộ rễ bị tổn hại trong quá trình cải tạo công viên hoặc thiếu nước nên không thể sinh trưởng bình thường. Biện pháp xử lý trước mắt là tiêm thuốc kích thích để cây xanh phục hồi bộ rễ. Tuy nhiên, biện pháp căn cơ nhất là phải đào, xới đất để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển.

"Việc phát triển mảng xanh đô thị gắn liền với đời sống cư dân đô thị. Mỗi người dân cần có trách nhiệm với cộng đồng trong việc phát hiện những hành vi xâm hại đối với cây xanh đô thị. Về mặt quản lý nhà nước, cần có hành lang pháp lý bảo vệ an toàn cây xanh trong quá trình xây dựng, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tránh các công trình trong quá trình thi công xâm hại đến hệ rễ cây xanh"
 TS ĐINH QUANG DIỆP    

Làm vành đai xanh

Giải pháp phát triển bền vững cây xanh trong đô thị là gì, thưa ông?

Trước tiên, TPHCM nên quy hoạch và đầu tư xây dựng các vành đai xanh xung quanh thành phố, vì hiện quỹ đất dành cho phát triển mảng xanh ở khu vực nội đô gần như không còn.

Việc này không chỉ là giải pháp khả thi cho việc tăng thêm mảng xanh mà còn góp phần giúp thành phố chống ngập vì mảng xanh sẽ giúp thẩm thấu nước xuống đất, đồng thời bổ sung nguồn nước ngầm cho thành phố.

Thêm mảng xanh cũng giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị - đang là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều trận mưa lớn bất thường trong thời gian gần đây ở thành phố.

Định hình, tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống cây xanh ảnh 1 Một số cây xanh ở Công viên Văn Lang sau khi cải tạo chỉ còn trơ thân

Về cây trồng, nên chọn cây trung mộc có chiều cao không quá 15m, thân thẳng tự nhiên, gỗ không giòn, cành dẻo dai, không dễ gãy bất thường và có sức chống chịu tốt.

Đặc biệt, cây phải có hệ rễ khỏe, cành nhánh có thể chịu được gió mạnh, không thuộc các loài cây trong danh mục cấm hoặc hạn chế trồng. Những loài cây có chiều cao trên 15m nên trồng ở ngoại ô và vùng ven đô thị.

Để cây có điều kiện phát triển tốt cần chú trọng đến tiêu chuẩn xuất vườn. Cây xuất vườn có kích thước lớn thì phải bảo đảm sự cân đối giữa đường kính và chiều cao. Cây cao 2 - 3m thì đường kính rễ từ 5 - 8cm.

Cây giống phải được nuôi dưỡng một thời gian để hệ rễ phát triển mới đem ra trồng, bầu cây phải tương ứng với từng loài cây. Cây con trong vườn ươm cần được chăm sóc cắt tỉa, tạo tán và huấn luyện để bộ rễ phát triển hài hòa cân đối với phần trên mặt đất, trước khi đem ra trồng ngoài thực địa.

Trồng cây xanh trong đô thị phải chú ý đến sự phát triển của hệ rễ. Cây xanh trong đô thị khác với cây rừng ở chỗ: trong điều kiện đô thị, tầng đất bên dưới bị ảnh hưởng của các cơ sở hạ tầng khác như cáp ngầm, ống dẫn nước, hố ga…

Vì vậy, trước khi trồng phải xác định được tầng đất, nơi hệ rễ của cây xanh có thể phát triển được để chọn loài cây trồng phù hợp. Hỗn hợp đất trồng cây đô thị cũng cần phải nghiên cứu kỹ. Lưu ý, hệ rễ của cây xanh trong đô thị rất cần có độ thông thoáng nhất định để có thể phát triển bền vững. 

Việc trồng cây trong đô thị chỉ nên thực hiện sau khi các bước xây dựng cơ sở hạ tầng khác đã được thực hiện xong. Tránh trường hợp cây trồng xong thì khu vực xung quanh bị đào bới thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của hệ rễ cây.

Giai đoạn cây mới được trồng cần có chế độ chăm sóc định kỳ kỹ lưỡng để giúp cho bộ rễ ăn sâu và ổn định. Tuy nhiên, việc tưới nước cây trồng thường xuyên trong mùa khô cần được xem xét cẩn trọng vì sẽ làm cho cây phát triển hệ rễ ngang không ăn sâu xuống lòng đất, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự định hình của hệ rễ sau này.

Hiện nay nhiều cây xanh đường phố thường xuyên bị tỉa cành, mé nhánh với lý do để tránh gãy đổ, gây nguy hiểm cho người dân và các đường dây điện, điện thoại… Đây là việc cần làm, song ở nhiều nơi cây xanh cứ như bị “húi cua” trơ trụi chỉ còn vài cành, vừa thiếu thẩm mỹ vừa không góp phần làm xanh, mát thành phố như chức năng vốn có của nó. Ông nghĩ sao về việc này?

Kiểm tra và cắt tỉa định kỳ cây xanh hàng năm là công việc rất quan trọng; không chỉ định hình, tôn tạo, tăng tính thẩm mỹ cho hệ thống cây xanh mà còn giúp phòng chống cây xanh gãy đổ, đặc biệt đối với một số loài cây có tán lá phát triển nhanh.

Tuy nhiên, không nên cắt tỉa quá mạnh tay, chỉ để lại thân cây như cột trụ, không có cành nhánh, làm mất chức năng thẩm mỹ của cây xanh trong cảnh quan đô thị. Không phải đến mùa mưa bão, mà cây xanh phải được thường xuyên tỉa, cắt (có thể trung bình 2 tháng cắt 1 lần) thì tán sẽ đẹp, vững chắc.

Truy đến cùng căn nguyên làm cây chết

Như TS Đinh Quang Diệp đã chia sẻ, cây xanh trong đô thị không có được không gian phát triển thuận lợi như trong rừng hay ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa cây xanh cứ tự nhiên mà chết. Theo nhiều chuyên gia về nông nghiệp, ngoài khả năng bị các công trình hạ tầng kỹ thuật xâm hại hệ rễ thì cây xanh tự nhiên chết do bị tác động bởi một hành vi xâm hại nào đó. Sài Gòn - TPHCM được hình thành bằng sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Đồng Nai nên đất đai khá màu mỡ. Trừ một số khu vực đất bị nhiễm phèn, cây khó sống thì cơ bản nơi nào ở thành phố cũng có thể trồng cây. Chính vì vậy, nếu có cây xanh tự nhiên bị khô héo, thậm chí chết, theo các chuyên gia, ngành chức năng nên sớm vào cuộc kiểm tra. Cần thiết, có thể đem mẫu đi thử độc tố hoặc tìm các tác nhân khác làm cây chết. 

Có một thực tế, nhiều người không muốn có cây xanh mọc chắn trước cửa nhà, đặc biệt chắn lối vào nơi kinh doanh của họ. Những người này sẽ không từ một thủ đoạn nào để bức tử cây xanh. Do vậy, nên chăng trước những cái chết bất thường của cây xanh, ngành chức năng nên điều tra kỹ và nếu phát hiện có hành vi xâm hại cây thì phải xử lý nghiêm. 

Theo quan trắc của ngành môi trường, nhiều nơi trong nhiều thời điểm ở TPHCM, ô nhiễm không khí đã đến mức báo động. Đó là chưa kể tình trạng bê tông hóa đã làm cho nhiệt độ thành phố tăng và ngột ngạt. Trong bối cảnh này, chỉ có trồng nhiều cây xanh và giữ gìn mảng xanh hiện có là giải pháp khả thi và bền vững nhất để giảm ô nhiễm môi trường và làm mát thành phố. Cây xanh có vai trò quan trọng như vậy nên việc bảo vệ cây xanh phải được quan tâm hơn nữa vì môi trường, vì sự phát triển bền vững của thành phố.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục