Dinh dưỡng là nền tảng trong các hệ thống bảo trợ xã hội


Trong khi khủng hoảng đại dịch Covid-19 vẫn chưa giải quyết thì nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói nghiêm trọng trên thế giới vừa được cảnh báo có thể còn nghiêm trọng hơn đại dịch Covid-19.
Cần can thiệp vào chuỗi cung ứng để có thực phẩm dinh dưỡng đến với người nghèo
Cần can thiệp vào chuỗi cung ứng để có thực phẩm dinh dưỡng đến với người nghèo

Bên bờ một đại dịch đói 

Trong hoàn cảnh hiện nay, các nhà sản xuất nông nghiệp lớn đều có kế hoạch để dành một lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa trong năm nay. Thái Lan, Campuchia và Indonesia đều tuyên bố cắt giảm xuất khẩu gạo, Kazakhstan giảm xuất khẩu lúa mì. Nga hồi cuối tháng 4 cũng thông báo tạm ngưng bán lúa mì ra thị trường thế giới cho đến tháng 7 để ưu tiên thị trường trong nước.

Những nước có thu nhập thấp, cấu trúc xã hội, y tế và kinh tế mong manh dễ bị nạn đói tác động nhất. Theo một báo cáo của Liên hiệp quốc (LHQ), hơn 820 triệu người đang ở trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 1/5 số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc. Do hậu quả của suy thoái kinh tế vì Covid-19, báo cáo vừa công bố ước tính rằng đại dịch có thể đẩy thêm ít nhất 83 triệu người (có khả năng lên tới 132 triệu người) rơi vào tình trạng đói ăn nghiêm trọng trong năm 2020. Từ nay đến cuối năm 2020, con số này có thể lên đến 265 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2019. 

Việc các chính quyền đóng cửa biên giới và phong tỏa đất nước đã cản trở hoạt động trồng trọt của nông dân và hoạt động của các nhà sản xuất chế biến thực phẩm.  Bên cạnh đó, theo nhận định của nhà kinh tế trưởng Arif Husai của Chương trình lương thực thế giới (WFP), cuộc khủng hoảng Covid-19 là một cú đánh vào hàng trăm triệu người, những người sẽ không thể mua thức ăn vì không còn thu nhập do tác động của lệnh phong tỏa và suy thoái kinh tế. Do vậy, việc xóa đói vào năm 2030 - một trong những Mục tiêu Phát triển bền vững chính của LHQ - ngày càng khó khả thi.

Đưa dinh dưỡng vào xu thế chủ đạo

Các chương trình cứu đói hầu như chỉ tập trung vào calo để đo việc đói hay no, đã bị các nhóm vận động chỉ trích là một cách tiếp cận quá hẹp. Một nghiên cứu thường niên mà LHQ vừa công bố cảnh báo, trong 5 năm qua, hàng chục triệu người đã gia nhập nhóm đối tượng bị suy dinh dưỡng kinh niên và nhiều quốc gia tiếp tục phải vật lộn chống chọi với các hình thức của suy dinh dưỡng. 

Khi các chính phủ chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo mọi người có đủ calo, họ chỉ hỗ trợ các tập đoàn xuyên quốc gia lớn chế biến thực phẩm béo, ngọt và chế biến cao trở nên rẻ... Các thực phẩm dinh dưỡng có giá thành cao và một số lượng lớn các gia đình không đủ điều kiện chi trả cho chế độ ăn uống dinh dưỡng.

Các báo cáo mới đây khẳng định, việc đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh cho hàng tỷ người không có khả năng chi trả sẽ giúp tiết kiệm hàng ngàn tỷ USD chi phí y tế liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh, ước tính có thể lên tới 1.300 tỷ USD/năm vào năm 2030. Trong khi đó, các chi phí xã hội liên quan đến chế độ ăn uống như phát thải khí nhà kính, ước tính khoảng 1.700 tỷ USD, có thể được giảm đi tới 3/4. 

Báo cáo hồi đầu tuần của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) kêu gọi việc khắc phục nạn đói và suy dinh dưỡng phải được tính rốt ráo dưới mọi hình thức. Mặc dù các giải pháp cụ thể có thể khác nhau giữa các quốc gia, hoặc khác nhau ngay trong một quốc gia, câu trả lời chung nằm ở các biện pháp can thiệp vào toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, vào môi trường thực phẩm... Các chính phủ cần đưa dinh dưỡng làm xu thế chủ đạo trong phương pháp tiếp cận nông nghiệp, hỗ trợ các nhà sản xuất quy mô nhỏ tại địa phương nuôi trồng và bán nhiều thực phẩm dinh dưỡng hơn; đồng thời đảm bảo họ có thể tiếp cận thị trường, ưu tiên dinh dưỡng cho trẻ em là nhóm có nhu cầu lớn nhất; đẩy mạnh thay đổi hành vi thông qua giáo dục và truyền thông. Quan trọng và trước tiên, phải đặt dinh dưỡng làm nền tảng trong các hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia và chiến lược đầu tư.

Tin cùng chuyên mục