Điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả: Vẫn loay hoay

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, TP hiện có khoảng 31.000 người đang điều trị ARV tại các trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng trực thuộc 24 trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện. 
Sắp tới, khi nguồn viện trợ quốc tế không còn, nếu không đủ điều kiện chuyển sang bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán, người nhiễm HIV sẽ phải đối mặt với nguy cơ “bơ vơ” không có nơi điều trị.
Điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả: Vẫn loay hoay ảnh 1 Một ca điều trị ARV tại TTYT quận 11
Khó thành lập phòng khám đa khoa
Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Hoa, Giám đốc TTYT huyện Cần Giờ, từ trước đến nay, việc điều trị cho 112 bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn huyện đều do Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng thuộc TTYT huyện phụ trách, còn Bệnh viện (BV) huyện Cần Giờ sẽ hỗ trợ việc xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng… Tuy nhiên, khi chuyển sang điều trị theo BHYT thì Khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng không có chức năng khám chữa bệnh và không thể ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội. 
Trước những khó khăn đó, TTYT huyện Cần Giờ đã đề xuất với Sở Y tế TPHCM và được sở hướng dẫn thành lập phòng khám đa khoa (PKĐK), nhưng do không có nguồn nhân lực chuyên môn đảm trách nên không đủ điều kiện để thành lập PKĐK. Nhằm đảm bảo phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV, trung tâm đã làm việc với BV huyện Cần Giờ, thống nhất chuyển toàn bộ 112 bệnh nhân sang điều trị. Tuy đã thống nhất từ 2 tháng trước nhưng cho đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động”, do phía BV huyện Cần Giờ chưa triển khai phòng khám điều trị cho bệnh nhân HIV và cũng không cử bác sĩ sang TTYT huyện để được hướng dẫn cách thức điều trị.
Tương tự, TTYT quận Thủ Đức đang điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân nhiễm HIV cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Chức, Giám đốc TTYT quận Thủ Đức, để thành lập PKĐK, theo quy định thì phải đáp ứng đủ các điều kiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, giấy phép hành nghề của bác sĩ, có đủ các chuyên khoa, đảm bảo an toàn bức xạ, xử lý chất thải…, trong khi phần lớn các TTYT quận, huyện hiện nay đều không đáp ứng được.
Đề xuất 4 mô hình
Trước tình trạng nguồn viện trợ bị cắt giảm, các bệnh nhân nhiễm HIV sẽ chuyển sang điều trị ARV thông qua BHYT chi trả. Bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, đã đề xuất 4 mô hình nhằm đảm bảo công tác khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV: Thành lập PKĐK (ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu với Bảo hiểm xã hội TPHCM) tại TTYT; chuyển bệnh nhân từ TTYT sang BV quận, huyện; thành lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại TTYT; TTYT có PKĐK thuộc BV.
Tuy nhiên, sau khi phân tích điểm mạnh, yếu của từng mô hình, bà Tiêu Thị Thu Vân yêu cầu các đơn vị cần lập kế hoạch, quy trình chuyển gửi phù hợp, tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân; nếu chuyển bệnh nhân cần cân nhắc và chỉ chuyển số lượng bệnh nhân vừa phải theo lộ trình. Bên cạnh đó, cần phải có những giải pháp cho bệnh nhân có sự lựa chọn như: chuyển sang phòng khám nội trú, TTYT khác. 
Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng các mô hình cần phải được thống nhất và hoàn tất trước 31-7-2018, do thuốc ARV từ nguồn tài trợ sẽ sử dụng đến hết năm 2018 và từ 1-1-2019 sẽ bắt buộc phải chuyển qua BHYT. Các quận, huyện sẽ phải tìm phương án tổ chức điều trị cho bệnh nhân tùy theo tình hình thực tế của địa phương, nhằm đảm bảo không gián đoạn việc điều trị.
Cùng với đó, Sở Y tế yêu cầu các TTYT quận, huyện phải thành lập PKĐK, hoặc có phòng khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS (nếu chưa có đủ điều kiện thành lập PKĐK), để đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh thông qua quỹ BHYT chi trả khi nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm. Ông Hưng yêu cầu, TTYT quận, huyện phối hợp với BV quận, huyện rà soát, lựa chọn hình thức tổ chức của cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS; tập trung xem xét, giải quyết hồ sơ thành lập PKĐK, phòng khám điều trị HIV/AIDS của các TTYT quận, huyện.
Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, TP có khoảng 3.800 - 4.000 bệnh nhân mắc HIV mới mỗi năm. Hiện tại, TP đang điều trị ARV cho 31.005 bệnh nhân (chiếm 1/4 số ca mắc của cả nước). Trong đó, có hơn 21.000 người sống tại TPHCM và 76,8% số bệnh nhân này có thẻ BHYT. Tuy nhiên, chỉ có 6.420 người sử dụng thẻ BHYT khi đi khám bệnh.

Tin cùng chuyên mục