Điều kiện kinh doanh tinh vi, doanh nghiệp hoạt động chật vật

Tại “Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam 2017” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22-6, các chuyên gia đưa ra nhận định: các điều kiện kinh doanh ngày càng phức tạp và tinh vi khiến doanh nghiệp hoạt động rất chật vật.
Doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều
Doanh nghiệp càng lớn càng bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của doanh nghiệp, làm nảy sinh nhiều bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo, gia tăng chi phí và tác động không cân đối đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chuyên gia này cho biết, hiện nay có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng, cấu trúc phức tạp.

Hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức “tinh vi”, rất khó để nhận diện, như yêu cầu nộp đơn xin phép, hay “thông báo cho cơ quan quản lý” (nhưng phải được chấp thuận, thì mới được hoạt động)… Khi đã đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp còn phải chứng minh bằng một loại giấy xác nhận nào đó, mà muốn có giấy này, doanh nghiệp lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính. Chưa hết, doanh nghiệp còn bị “trói buộc” bởi thời gian kinh doanh (phổ biến 5-10 năm), sau thời gian đó lại phải tiếp tục xin lại.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện doanh nghiệp lớn đang bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ ít hơn. Thực tế này khiến nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ không dám và không muốn "lớn".

Nhìn từ góc độ khác, TS Vũ Đình Ánh lưu ý: “Hiện nay khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn FDI; lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng. Tư tưởng chờ đợi sự "ban phát", "xin – cho" và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến”.

Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 400 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp có thành tích cao trong hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường…

Tin cùng chuyên mục