Điều kiện được hưởng lương hưu, hưởng chế độ một lần?

Tôi tham gia BHXH từ tháng 2-2001, tôi muốn hưởng chế độ một lần có được không? Thủ tục ra sao? Còn nếu đợi hưởng lương hưu, thì tôi cần làm đến khi nào, điều kiện ra sao mới được hưởng lương hưu? Tôi nghỉ sinh thì thời gian thai sản có tính vào thời gian tham gia BHXH không?  

  (anhthai62797…@gmail.com)

° Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến: Về hưởng trợ cấp BHXH một lần, theo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của nghị định này, mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế. 

Hồ sơ, thủ tục hưởng BHXH một lần gồm: sổ BHXH, đơn đề nghị theo mẫu số 14-HSB. Đối với người ra nước ngoài để định cư, cần nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực; hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây: Hộ chiếu do nước ngoài cấp; Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài; giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 5 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng thì có thêm trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện tình trạng không tự phục vụ được; hoặc biên bản giám định sức khỏe bị suy giảm từ 81% trở lên và không tự phục vụ được. 

Về hưởng chế độ hưu trí, theo Luật BHXH năm 2014, người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. 

Về thời gian thai sản, Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH. Trừ trường hợp, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 151185, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục