Điêu khắc trẻ và mạch sáng tạo mới

Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, điêu khắc không còn là khái niệm chỉ các tượng đài lịch sử. Những năm gần đây, xu hướng nghệ thuật sắp đặt được chú ý, tác phẩm điêu khắc cũng bắt đầu tạo ấn tượng với nhiều khán giả trẻ.
Khách tham quan tại triển lãm Điêu khắc trong không gian kiến trúc đô thị lần V (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát)
Khách tham quan tại triển lãm Điêu khắc trong không gian kiến trúc đô thị lần V (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát)

Mềm hóa chất liệu

Gần đây, các triển lãm mỹ thuật có sự góp mặt của điêu khắc ngày càng nhiều. Trong triển lãm ra mắt một câu lạc bộ họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật TPHCM vào tháng 3-2021, gần một nửa tác phẩm trưng bày là những tác phẩm điêu khắc. Triển lãm Điêu khắc trong không gian kiến trúc đô thị vào giữa tháng 4 vừa qua thu hút đông đảo nghệ sĩ trẻ và sinh viên trường mỹ thuật tham gia. Đây là giải thưởng thường niên do Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức. 5 mùa giải không phải là nhiều, nhưng cũng đủ để khẳng định sức sống, sức hút của điêu khắc trong đời sống nghệ thuật đương đại và không gian kiến trúc đương thời.

“Tôi thường đến các triển lãm tranh với tư cách là nhà sưu tầm hoặc tìm tranh theo đặt hàng của khách, đây là triển lãm điêu khắc đầu tiên mà tôi tham dự. Hơn 1 giờ ngắm nghía, tôi đặt hàng một tác giả, điêu khắc trẻ có cái nhìn rất ấn tượng và phá cách”, anh Hồ Thành Nhân (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ.

Nếu trước đây, nhắc đến điêu khắc, nhiều người sẽ liên tưởng đến các tượng lớn với chất liệu rắn chắc như đồng, sắt, thạch cao, đá, gỗ… thì nay, các tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ trẻ có thể làm từ giấy dó, bột màu, đất sét… và cả những vật liệu tái chế (ống hút, túi ni lông…) để góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Và trong những không gian nghệ thuật sắp đặt, hay không gian làm việc kiểu mới (co-working space, tạm dịch: không gian làm việc chia sẻ), sự có mặt của các tác phẩm điêu khắc ngày càng được chú trọng, để tăng tính thẩm mỹ, truyền tải thông điệp và tăng tương tác với khán giả.

Tại không gian làm việc chia sẻ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM), những tác phẩm điêu khắc với chất liệu đất sét khiến nhiều người thích thú. “Đây là lần đầu tiên, tôi thưởng thức tác phẩm điêu khắc nhiều màu sắc với chất liệu mềm mại như vậy. Trong không gian làm việc, đặt những tác phẩm điêu khắc và thường xuyên thay đổi theo chủ đề khá thú vị, nó cũng truyền cảm hứng cho mình và truyền tải thông điệp để mình bắt kịp những xu hướng thời sự”, Đỗ Thị Bích An (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) cho biết.

Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ: “Nếu so với hội họa thì sinh viên ngành điêu khắc ít hơn. Chỉ tiêu các trường mỹ thuật mỗi năm chỉ có khoảng 3-8 sinh viên, có năm chỉ tuyển được 1 người, bởi ngành học này khó và vất vả. Nhưng ngành học này, sinh viên tốt nghiệp ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm, thậm chí nhiều người sống khỏe với nghề”.

Ý tưởng và sáng tạo

Chia sẻ từ giới chuyên môn, điêu khắc phát triển từ năm 2005-2012 và từ 2012 đến nay là những bước tiến dài đáng kể, đã tạo được sự kết nối chung cho các nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, nhóm nghệ sĩ điêu khắc Hà Nội - TPHCM đã có sự kết nối 2 miền, giao lưu các tác phẩm định kỳ. Sự kiện này thu hút đông đảo nghệ sĩ điêu khắc trẻ giao lưu và chia sẻ nghề nghiệp, cũng như có thêm cơ hội kết nối với nhà sưu tập…

Tạo hình của điêu khắc cũng đã có những bước chuyển mình mang tính đương đại hơn. Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Điêu khắc hiện đại không chỉ dừng lại ở tượng thuần túy, hiện thực mà còn kết hợp thêm ánh sáng, video, sắp đặt để tôn vinh tác phẩm và tương tác với không gian, người xem nhiều hơn”. Các sinh viên ngành điêu khắc đã bắt đầu khẳng định tính nghệ sĩ khi còn trong trường, song song với việc học chính quy.

“Có thể nói, điều đổi mới lớn nhất của điêu khắc là tập trung vào chủ đề sáng tác và chất liệu của các nghệ sĩ ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, sự phát triển không gian trưng bày triển lãm như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật TPHCM và tổ chức nghệ thuật tư nhân, đã làm nên những xu hướng mới cho điêu khắc”, nghệ sĩ điêu khắc Đỗ Hà Hoài cho biết.

Không còn bó hẹp trong không gian thờ cúng như đền, chùa hay công trình lịch sử…, tác phẩm điêu khắc hiện nay được ứng dụng rộng trong các không gian như bảo tàng, văn phòng làm việc, khách sạn, trung tâm thương mại, công viên… Không chỉ để trang trí mà tác phẩm điêu khắc mang nhiều tầng ý nghĩa để truyền tải thông điệp và chú trọng tính tương tác với người xem.

“Thị trường không phải là mối lo ngại để nói đến khó khăn và thuận lợi trong nghệ thuật điêu khắc, cái chính vẫn là nghệ sĩ làm được gì? Sống với nghề đôi khi không nhất thiết phải nghĩ nó tạo ra tiền, đưa được tiếng nói của chủ đề tác phẩm đến công chúng là đã sống được trong sự hạnh phúc với nghề”, nghệ sĩ Đỗ Hà Hoài bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục