Điều hành giá xăng dầu đã đảm bảo hài hoà lợi ích?

Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu như hiện tại đã đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên, trong khi cử tri một số địa phương lại cho rằng cách làm hiện nay đang “gây khó cho dân”.
Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá
Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá

Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Tài chính vừa gửi đến Quốc hội cho biết, cử tri thành phố Đà Nẵng và một số địa phương bày tỏ sự bức xúc đối với công tác quản lý giá xăng, dầu trong thời gian qua: “khi tăng thì tới 2,3 ngàn đồng/ lít nhưng khi giảm chỉ vài trăm đồng, số lần tăng nhiều hơn rất nhiều số lần giảm”.

Dường như việc quản lý giá xăng, dầu chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, trong khi mọi khó khăn người dân phải gánh chịu – loại ý kiến này nhận định và đề nghị Chính phủ xem xét, làm rõ.

Phản hồi ý kiến này, Bộ Tài chính nêu rõ, hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định, theo quy trình và nguyên tắc quy định. Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc quy định công thức tính giá cơ sở. Trong đó, giá cơ sở được tính toán dựa trên bình quân giá thế giới (Platt’s Singapore) 15 ngày gần nhất với chu kỳ điều hành, không phải được điều chỉnh theo từng ngày.

Do xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, nên Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định đây là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. Trong nhiều thời điểm khi giá thế giới tăng cao, lẽ ra giá xăng dầu trong nước cần phải điều chỉnh tăng để bù đắp hết phần chênh lệch này; song căn cứ vào các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, giá xăng, dầu trong nước hoặc là không tăng hoặc chỉ tăng một phần, chứ không phải tăng đúng với mức chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành. Phần chênh này được bù đắp từ Quỹ Bình ổn giá. Khi Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết mà giá xăng dầu thế giới vẫn tăng thì buộc phải tăng giá xăng dầu trong nước tương ứng, Bộ Tài chính giải thích.

Mặt khác, Bộ này lý giải, khi giá xăng dầu thế giới giảm (vẫn phải tính theo chu kỳ bình quân là 15 ngày theo quy định, không phải giá thế giới giảm tính theo từng ngày và giá trong nước phải giảm ngay), việc điều hành giá xăng dầu trong nước trước hết phải cân nhắc các công cụ đã sử dụng trước đó; bằng cách giảm một phần hoặc ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu...

“Trong thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Giá xăng dầu trong nước cơ bản bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng”, Bộ Tài chính khẳng định.

Quán triệt nguyên tắc thực hiện công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, trong các lần điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đều có thông cáo báo chí, trong đó đã công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở và nguyên tắc, sự cần thiết của việc điều hành giá xăng dầu trong nước. Ngoài ra, tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối từ năm 2013 cho đến nay cũng đã được công khai thường xuyên để người dân biết, giám sát.

Tin cùng chuyên mục