Điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước biến động theo xu hướng giảm dần
* Nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh
Ngày 1-7, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo để đánh giá việc thực hiện công tác điều hành giá cả trong 6 tháng đầu năm và đề ra phương án 6 tháng cuối năm 2017. 
Theo Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước biến động theo xu hướng giảm dần, tạo dư địa cho điều hành trong 6 tháng cuối năm.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi lần lượt 5 tháng trước đó CPI bình quân có mức tăng là 5,22%, 5,12%, 4,96%, 4,80% và 4,47%. Tuy nhiên, so với tháng 12-2016 thì CPI chỉ tăng 0,2%.
Lạm phát cơ bản tăng thấp với mức tăng bình quân 1,52% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng kế hoạch từ 1,6% - 1,8% và tiếp tục được điều hành ổn định trong thời gian tới.
Điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng ảnh 1 Phiên họp quý II-2017 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: VGP
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự báo các sức ép lên mặt bằng giá như việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, tăng lương cơ sở từ ngày 1-7, các rủi ro thiên tai, thời tiết bất lợi và giá thịt heo có thể phục hồi về mức giá ban đầu với các chỉ số cụ thể tác động lên mức tăng CPI bình quân.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng xác định các kịch bản điều hành giá, với các mức tăng CPI bảo đảm dưới chỉ tiêu tăng 4% mà Quốc hội cho phép.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều hành CPI năm 2017 phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.
Định hướng điều hành lạm phát được Phó Thủ tướng nêu ra là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính, chuyển các giá dịch vụ công thiết yếu theo lộ trình giá thị trường.
Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm kiểm soát lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp để ổn định lãi suất cơ bản khoảng 1,6%; thực hiện đồng bộ biện pháp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ.
Dựa trên mức tăng lạm phát thực tế, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng kế hoạch lãi suất cho vay theo diễn biến thị trường, hỗ trợ cho tăng trưởng.
Đối với việc điều hành giá với các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ Công thương điều hành giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hài hòa mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất điện và tác động chi phí đẩy tới sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Bộ GTVT báo cáo việc điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm thu phí đã quyết toán trong năm 2017 theo hướng giảm giá hơn giảm thời gian thu; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện giá dịch vụ tại cảng biển theo quy định của Bộ luật Hàng hải và pháp luật liên quan.
° Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân  từ tháng 8-2017.
Theo đó, về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện do Bộ Công thương ban hành hàng năm và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân.
Trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, trong đó, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý 2, quý 3 và quý 4, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, EVN xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp quý 2-2017 của hội đồng nhằm xây dựng báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 sẽ diễn ra vào ngày 3-7 tới.
Các thành viên hội đồng đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 (4,15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm) đúng theo kế hoạch điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá.
Thu ngân sách đạt khá, nhập khẩu tăng cao, chủ yếu là hàng hóa, máy móc phục vụ cho sản xuất. Tăng trưởng hai quý đầu năm tăng khá với mức 5,73% trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 5,65%.
GDP của quý 2 cũng tăng mạnh so với quý 1-2017 (6,13% so với 5,15%)… Các thành viên hội đồng cũng dự báo các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm cũng sẽ tác động tới kinh tế trong nước.
Trong nước, lạm phát có thể kiểm soát được ở mức bình quân 4% nên có thể tính toán tới việc giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, Hội đồng lưu ý Chính phủ về giải ngân vốn FDI không bằng các năm trước là vấn đề cần khắc phục; xem xét lại cách tính lạm phát bình quân; tính toán điều chỉnh giá điện hợp lý, ở thời điểm phù hợp và thúc đẩy được đầu tư vào lĩnh vực điện năng.
Các thành viên hội đồng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất, kinh doanh; xem xét giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay để giảm chi phí giá vốn cho doanh nghiệp…

Tin cùng chuyên mục