Điều còn mãi: Không chỉ là một bữa tiệc âm nhạc

Gắn bó với Điều còn mãi nhiều năm, với nhạc trưởng nổi tiếng Lê Phi Phi, cứ vào ngày 2-9 mỗi năm là dịp để tổ chức bữa tiệc âm nhạc và là thách thức để anh vượt qua chính mình.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trên sân khấu Điều còn mãi
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trên sân khấu Điều còn mãi

* PHÓNG VIÊN: Đã trở thành một thói quen, chiều 2-9 hàng năm, người yêu nhạc lại đón đợi chương trình Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi - một chương trình tái hiện lịch sử dân tộc bằng âm nhạc. Điều này vừa là động lực nhưng cũng là áp lực với người thực hiện?

- Nhạc trưởng LÊ PHI PHI: Tôi luôn trăn trở, mỗi chương trình diễn ra phải hay và khác năm trước. Điều còn mãi đã đứng ở đỉnh và tôi có nhiệm vụ luôn giữ nó ở đỉnh lâu hơn.

Nếu như mọi năm, các tác phẩm thuộc dòng giao hưởng thính phòng chiếm chủ đạo thì năm nay, chương trình mở rộng ra các ca khúc dòng nhạc dân gian, trong đó có cả những ca khúc mới sáng tác. Ê kíp thực hiện hy vọng sự đa dạng và phong phú của chương trình sẽ đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Phần thanh nhạc sẽ có sự đan xen giữa các ca khúc tiền chiến, cách mạng và hiện đại như: Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Ai về sông Tương (Văn Giảng), Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương)... Chuyển soạn, phối khí cho chương trình là những nhạc sĩ gạo cội và tên tuổi như nhạc sĩ Trọng Đài, Đỗ Hồng Quân, Trần Mạnh Hùng... Năm nay, bản Quốc ca sẽ được chơi theo nhạc hòa tấu. Đặc biệt, tác phẩm Du kích sông Thao được chuyển soạn cho 4 cello diễn tấu với dàn nhạc giao hưởng. Dàn nhạc cũng sẽ chơi tác phẩm dân ca Hoa thơm bướm lượn do một nhạc sĩ người Nga chuyển soạn, hứa hẹn là điểm nhấn của chương trình.

Có người hỏi tôi, phải chăng việc đưa nhiều chất liệu âm nhạc dòng dân gian vào chương trình năm nay là để tránh lặp lại màu sắc cổ điển của những ca khúc đã biểu diễn ở chương trình trước. Cũng không hẳn vậy, kho tàng ca khúc âm nhạc cổ điển Việt Nam có thể khai thác 50 năm nữa chưa hết, nhưng quan trọng, chúng tôi muốn phân phối đồng đều từ thời tiền chiến đến thời xây dựng đất nước, hiện đại… để có sự hấp dẫn riêng.

* Nhiều năm nay, Điều còn mãi là chương trình nghệ thuật không bán vé và cũng rất hiếm có sự xuất hiện của các nghệ sĩ đến từ phía Nam. Nhưng năm nay đã thay đổi?

- Năm nay, chương trình có sự trở lại của Mỹ Linh cùng dàn hợp xướng thiếu nhi tại ngôi trường Young Hit Young Beat, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điều thú vị. Ngoài những gương mặt nhiều năm tham gia Điều còn mãi, năm nay có sự xuất hiện của các ca sĩ lần đầu tham gia là Phạm Khánh Ngọc (giải nhì Cuộc thi Tìm kiếm giọng ca opera đầu tiên của Đông Nam Á 2016), Đào Mác (đến từ TPHCM).

Qua 9 lần tổ chức có một thực tế dễ nhận thấy là ai nhận lời làm chương trình đều dồn tâm sức để thực hiện tốt nhất. Đúng là các nghệ sĩ phía Nam phải di chuyển chặng đường khá xa để tham dự chương trình nên ê kíp thực hiện cũng ưu tiên họ được chọn giờ và xếp lịch thật phù hợp để cùng tập với dàn nhạc.

* Đồng hành cùng Điều còn mãi 9 năm, nhưng năm nay anh sẽ chỉ huy trên sân khấu Nhà hát Lớn mà thiếu vắng ánh mắt dõi theo của cha anh - nhạc sĩ Hoàng Vân…

- Nghĩ đến cha, tôi luôn tự hào. Không riêng gì Điều còn mãi mà bất cứ chương trình nào của tôi ở Việt Nam, cha đều đi xem. Dù chương trình kéo dài 2 giờ nhưng chưa lần nào ông tựa lưng vào ghế. Ông chăm chú theo dõi hòa nhạc bằng tất cả sự trân trọng. Và mặc dù khi chỉ huy dàn nhạc, tôi luôn quay lưng lại, nhưng tôi cảm nhận rằng ông đang cố rướn lưng lên để cho tôi điểm tựa. Vắng ông, đó là sự trống vắng trong tâm hồn, trong ngôi nhà, trong khung cảnh đường phố mà ông thường xuyên hiện hữu…

Tôi nghĩ, ông vẫn luôn luôn hiện hữu trong các sự kiện âm nhạc và không chỉ riêng ông, các nhạc sĩ quá cố khác cũng vậy. Bởi đây còn là chương trình giao lưu của người đã khuất qua những tác phẩm để lại cho đời. Điều còn mãi năm nay sẽ dựng 2 tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân: Một tác phẩm hợp xướng, lĩnh xướng với dàn nhạc có tên Việt Nam muôn năm và tác phẩm thứ 2 là Hát về cây lúa hôm nay do ca sĩ Khánh Linh thể hiện.

Tin cùng chuyên mục