Điều chỉnh vaccine ứng phó với biến thể Omicron

Ngày 27-11, Mỹ ban hành lệnh hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi đến Mỹ nhằm kiểm soát sự lây lan của biến thể mới B.1.1.529 (Omicron). 
Nhân viên kiểm tra chứng nhận Covid-19 của du khách tại hội chợ Giáng sinh ở Brussels, Bỉ ngày 27-11-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên kiểm tra chứng nhận Covid-19 của du khách tại hội chợ Giáng sinh ở Brussels, Bỉ ngày 27-11-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lệnh cấm được ban hành chỉ sau 3 tuần Mỹ mở cửa đón du khách trở lại. Brazil, Canada và Singapore cũng có những hành động tương tự. Ấn Độ, Australia cảnh báo theo dõi chặt chẽ biến thể mới. Cho đến nay, biến thể mới Omicron đã xuất hiện tại Nam Phi, Botswana, Israel, Bỉ và Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc).

Phản ứng trước động thái siết nhập cảnh, Bộ Y tế Nam Phi cho rằng việc các nước áp lệnh cấm đi lại tới Nam Phi là không hợp lý và vi phạm các quy tắc, tiêu chuẩn của WHO. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla, nếu so sánh tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày giữa Nam Phi và một số nước châu Âu, động thái này thực sự không khoa học. Ông cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp biến thể mới. 

Cùng ngày, WHO kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại. Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Hiện giới nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến, những ảnh hưởng của nó đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này, cũng như tác động đối với việc chẩn đoán, điều trị và hiệu quả của vaccine. WHO khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện biện pháp siết nhập cảnh. 

Sau khi có thông tin về Omicron, hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna cùng tuyên bố cập nhật vaccine Covid-19 trong trường hợp cần thiết. Moderna cho biết có thể thử nghiệm lâm sàng để xem vaccine hiệu quả tới đâu với Omicron trong vòng 60 - 90 ngày. Pfizer thông báo có thể điều chỉnh vaccine do hãng sản xuất trong vòng 6 tuần nếu cần thiết và cho ra sản phẩm trong vòng 100 ngày nếu cần. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) ngày 26-11 đã công bố báo cáo sơ bộ khẳng định Molnupiravir - loại thuốc kháng virus do hãng Merck & Co (Mỹ)  phát triển, có hiệu quả trong việc điều trị bệnh Covid-19 đối với bệnh nhân mắc Covid-19 ở thể nhẹ đến trung bình hoặc có nguy cơ nhập viện.

Tuy nhiên, FDA khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên sử dụng Molnupiravir, lưu ý rằng đến nay chưa có thử nghiệm lâm sàng nào đối với thuốc này ở thai phụ. Báo cáo này là cơ sở để Hội đồng Chuyên gia FDA cân nhắc có phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir hay không khi nhóm họp vào ngày 30-11.

Tin cùng chuyên mục