Điều chỉnh thận trọng

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,5% như mục tiêu. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát dưới 4% khó đạt được. Đây là nhận xét khái quát mà các chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng năm 2022” được tổ chức tại Hà Nội ngày 25-4. 

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), một số thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam năm 2022 đã được nhận diện. Đại dịch Covid-19 còn khó lường, bất ổn; chính trị thế giới leo thang căng thẳng, cộng với giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu bị đe dọa, từ đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Việc chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, nhất là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát sẽ khiến dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế cũng sẽ bị thu hẹp hơn… 

Về giá cả hàng hóa cơ bản và giá năng lượng, đáng lưu ý nhất là giá xăng dầu thế giới tăng kỷ lục, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất trong nước và mục tiêu kìm giữ lạm phát. Với giá xăng dầu tăng 45,2%, chỉ số giá cả sẽ tăng tới 0,5-0,6 điểm phần trăm.

Điều này đặt các nhà quản lý điều hành trước lựa chọn khó khăn: để kích thích tăng trưởng và thúc đẩy phục hồi kinh tế thì cần giảm lãi suất. Trong khi để kiềm chế lạm phát thì một trong những biện pháp cần thiết lại là tăng lãi suất. Thêm vào đó, các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đều đang có những biến động rất mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngành kinh tế lớn đều tăng mạnh.

Chính sách cơ cấu, giãn hoãn nợ đến hạn là giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn. Nhưng, việc kéo dài thời gian áp dụng chính sách đã biến các khoản cho vay ngắn hạn thành trung dài hạn nên tiềm ẩn rủi ro trong trung hạn. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng thương mại được cảnh báo sẽ “rủi ro chéo” từ trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, do hình thức phát hành riêng lẻ là chủ yếu (chiếm tới 94%).

Trong đó, trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành là 32,8%. Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro này.  

Trong bối cảnh đó, câu trả lời có tính nguyên tắc là các chính sách cần được điều chỉnh một cách thận trọng. Về chính sách tài khóa, các ý kiến cho rằng cần mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng, cụ thể là gia tăng hỗ trợ tài khóa 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm. Cần nói rõ rằng giải pháp này chỉ thực sự hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động; hướng dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ sự tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.

Một điểm thuận lợi đáng kể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngay tại kỳ họp tháng 5 tới đây của Quốc hội, tạo điều kiện xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. 

Đối với thị trường chứng khoán, cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm; đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán, phát triển các nhà đầu tư có tổ chức; xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường; đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán. 

Với những giải pháp “đều tay” như thế, mục tiêu tăng trưởng bền vững, bao hàm cả việc ổn định đời sống nhân dân, sẽ có thể hoàn thành như đã đề ra.  

Tin cùng chuyên mục