Điều chỉnh sao cho hợp lý

Bộ Tài chính đang gửi lấy ý kiến dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Dự thảo này sẽ phải được Chính phủ thông qua trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. 

Cơ sở của việc điều chỉnh này là theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 hay còn gọi là Luật số 26/2012/QH13. Đó là, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với ngày 1-7-2013 là 123,2%, tăng 23,2%. 

Theo dự kiến, mức GTGC sẽ từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Mức này căn cứ vào mức GTGC hiện hành nhân với biến động giá cả 7 năm qua (23,2%).

Theo đề xuất đó, một cặp vợ chồng nuôi 2 con nhỏ, thì phần thu nhập trên 30,8 triệu đồng/tháng mới bắt đầu phải nộp thuế; một người có thu nhập dưới 11 triệu chưa tính người phụ thuộc không phải nộp thuế.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, về tổng thể, việc điều chỉnh mức GTGC như phương án của Bộ Tài chính là phù hợp với mức trượt giá 23,2%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này hơi muộn so với diễn biến của giá cả trên thực tế. Nếu việc thay đổi diễn ra vào năm 2019 khi CPI vừa tăng vượt 20%, thì người nộp thuế sẽ được lợi hơn.

Bình luận về thuế TNCN, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, luật hiện hành không rõ triết lý, nguyên tắc đánh thuế. Ví dụ, người có thu nhập từ cổ tức công ty dù vài ngàn đồng mỗi năm thì phải nộp thuế, song, nếu có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi tháng từ tiền gửi ngân hàng lại không phải nộp thuế.

Nguyên tắc của thuế TNCN là phải đánh thuế đối với mọi khoản và mọi mức thu nhập. Tuy nhiên, “để đơn giản, bớt việc không hiệu quả, không cần thiết”, nên luật đã loại trừ số phải nộp mức thấp, không đáng kể và đó chính là khoản GTGC. Khoản GTGC không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.

Tại sao mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gấp 1,5 lần, mà mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và GTGC lại bằng nhau? Còn nếu căn cứ vào mức lương tối thiểu, thì mức GTGC lại quá cao. Mức GTGC hợp lý là phải kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu, có hóa đơn, chứng từ hợp lý.

Với quy định hiện nay, một người tuy thu nhập khá cao, nhưng do phải chi phí cho con học hành, bệnh tật, thuê nhà ở… nên cuộc sống có thể vẫn khó khăn. Và, thật bất công là họ phải nộp thuế TNCN nhiều hơn người có thu nhập thấp hơn nhưng không phải lo các khoản trên.

Bình luận về GTGC, ông Đức cho rằng, con số lạm phát trên 20% mới điều chỉnh là quá cao và  cần giảm xuống một nửa. Nếu 1 - 2 năm, lạm phát vượt mức 20% thì không vấn đề nhưng giả sử, lạm phát đã tăng 20%, nhưng không vượt mức này trong nhiều năm, thì người nộp thuế sẽ bị thiệt dài hạn. Do đó, việc quy định lạm phát 20% mới GTGC là vô lý.

Còn nhớ, trong 4 năm áp dụng Luật số 04/2007/QH12 (năm 2009-2013), mức GTGC (với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng) đã bị lạc hậu ngay khi áp dụng. Và, trong giai đoạn này, Quốc hội đã phải 3 lần thực hiện biện pháp miễn, giảm thuế TNCN hỗ trợ người dân. Đó là các đợt miễn, giảm thuế từ ngày 1-1-2009 đến hết ngày 30-6-2009; từ ngày 1-8-2011 đến 31-12-2011; và từ ngày 1-7-2012 đến 31-12-2012.

Thực tế trên cho thấy, thay vì loay hoay “đẽo gọt” thuế TNCN như hiện nay, cơ quan chức năng cần có quan điểm cải cách, thay đổi cơ bản với luật để hợp lý, công bằng hơn, nhất là trong thời kỳ công nghệ phát triển và khi doanh nghiệp chuẩn bị chuyển sang xuất hóa đơn điện tử.

Tin cùng chuyên mục