Điều chỉnh quy hoạch: Huyện Bình Chánh mong muốn lên quận

Mới đây, tại hội thảo về tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng đến năm 2040 do Sở QH-KT và UBND huyện Bình Chánh (TPHCM) tổ chức, nhiều ý kiến nhận định “cái áo huyện” đã trở nên lỗi thời, cản trở Bình Chánh phát triển. Do đó, đòi hỏi phải có mô hình đô thị mới, phù hợp với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ở địa phương này.
Nhiều khu đất quy hoạch “treo” bỏ hoang vắng hai bên đại lộ Nguyễn Văn Linh
Nhiều khu đất quy hoạch “treo” bỏ hoang vắng hai bên đại lộ Nguyễn Văn Linh

Đô thị “lệch pha”

 Đại gia đình anh Nguyễn Ngọc đã định cư tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh từ nhiều đời nay. Do các thế hệ trong gia đình ngày càng “nảy nở”, một số thành viên gia đình cần ra ở riêng, cần vốn tạo lập sự nghiệp, tất cả đều trông vào đất đai của ông bà để lại. Nhưng khổ nỗi, từ năm 1992, toàn bộ khu vực nơi gia đình anh Nguyễn Ngọc cư ngụ nằm trong quy hoạch khu E, một phần của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đang chờ bồi thường, không được chuyển nhượng, chia tách. Nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Bình Chánh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như gia đình anh Ngọc.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đào Gia Vượng nhận xét, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đặc biệt dân số tăng cơ học (nhập cư) luôn ở mức cao, trung bình mỗi năm có thêm 30.000 người. Thế nhưng, lâu nay việc phát triển đô thị chồng chéo chưa phù hợp với định hướng quy hoạch đã được phê duyệt. Cụ thể, phát triển nhà ở trong dự án, nhà ở riêng lẻ tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng - giáp quận 7, kéo theo dân số phân bổ không đồng đều giữa các khu vực. Còn vùng giáp ranh huyện Hóc Môn và các huyện Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức thuộc tỉnh Long An lại hình thành các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị.

Trong khi đó, phía Bình Chánh thì phần lớn quy hoạch đất nông nghiệp nên chưa phát huy được lợi thế về đất đai, phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đó, các khu vực định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia (thị trấn Tân Túc, xã Tân Kiên, xã An Phú Tây, xã Bình Chánh...). 

Nhìn trên tổng thể, huyện Bình Chánh chưa có nhiều dự án phát triển đô thị đồng bộ về hạ tầng. Vì vậy, qua nhiều năm kể từ khi quy hoạch chung được phê duyệt, hình thái kiến trúc đô thị chưa cải thiện nhiều như mong muốn. “Do vậy, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa của huyện”, ông Đào Gia Vượng khẳng định.

Phát triển đô thị đa mục tiêu

Nhiều chuyên gia cho rằng, với định hướng chuyển đổi huyện Bình Chánh thành quận, địa phương cần quy hoạch các khu chức năng như: mở rộng quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao tập trung; quy hoạch các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống kho, bãi hiện đại, phát triển hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh ĐBSCL…

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng: “Muốn Bình Chánh phát triển, yếu tố đầu tiên cần đảm bảo là hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng”. Trong rất nhiều chỉ tiêu phát triển và đầu việc đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Bình Chánh đề cập, cần “bóc tách” những đầu việc phải thực hiện cho bằng được. Huyện cần quan tâm quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông vận tải, điện, nước, vệ sinh môi trường, công viên cây xanh).

Từ quy hoạch này sẽ xác định trách nhiệm tổ chức đầu tư và thời hạn hoàn thành từng khu, từng dự án cụ thể. Đối với hệ thống hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, thể dục thể thao, văn hóa…) cũng phải xác định rõ nên đầu tư cái nào trước, cái nào sau. 

Về hiện trạng nông thôn chiếm tỷ lệ cao, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Hữu Phúc Tiến (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và TPHCM), cho rằng, Bình Chánh cần duy trì ở mức nào, khu vực nào cần đô thị hóa. Nông nghiệp chất lượng cao như cây, con giống có giá trị cao kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng, tận dụng tài nguyên sẵn có về kênh rạch, ruộng vườn, là một lợi thế rất lớn. Nơi đây cũng có thể trở thành trung tâm nông nghiệp chất lượng cao - công nghiệp chuyên biệt và dịch vụ nghỉ dưỡng và y tế cho TPHCM, vì đây là cửa ngõ quan trọng kết nối với ĐBSCL. 

Dưới góc nhìn quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM nhận xét, Bình Chánh là một địa bàn hết sức đặc trưng, hội tụ nhiều yếu tố như đô thị có nông thôn, là khu vực cửa ngõ kết nối với ĐBSCL; có hệ thống sông ngòi phong phú, cảnh quan hết sức đặc biệt, nên trong quá trình phát triển đô thị không thể tách rời những yếu tố này. Chính vì vậy, Bình Chánh cần cân nhắc xem xét và đưa ra chi tiết từng khía cạnh để điều chỉnh bổ sung trong thời gian tới. Mặt khác, từ những đề xuất của các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ giúp cho sở, huyện bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị cũng như vấn đề phát triển nông thôn của huyện.

Đây là những thông tin rất quan trọng giúp Bình Chánh có những hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới. Điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của huyện phù hợp với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái… sẽ được tiếp thu trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Tin cùng chuyên mục