Điều chỉnh mức thu phí cảng biển tại TPHCM: Doanh nghiệp cần thêm thời gian

Dự kiến ngày 1-4, TPHCM áp dụng mức thu phí mới cho việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã khẳng định, việc áp dụng mức thu phí mới và cách thức chia mức thu phí như dự kiến là chưa phù hợp. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của các DN xung quanh vấn đề này.
Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Bà PHAN THỊ THANH XUÂN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam: Thời điểm áp dụng chưa phù hợp

Từ ngày 11-6-2021 đến cuối tháng 9-2021, đa số DN phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19. Trong khi đó, DN vẫn phải chi trả nhiều khoản như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... dù không xuất khẩu và bán được hàng. Từ tháng 10 đến tháng 12-2021, đa số các DN cũng chỉ hoạt động cầm chừng từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy... Từ đầu năm 2022 đến nay, các DN mới bắt đầu phục hồi sản xuất thì lại phải gánh thêm nhiều chi phí như cước vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng... Do vậy, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM từ ngày 1-4 là chưa phù hợp, làm gia tăng gánh nặng và giảm năng lực cạnh tranh của DN, cản trở khả năng phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

* Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Nguy cơ phát sinh thủ tục hành chính

Với việc chia thành 3 hình thức thu phí, tương ứng theo đó là mức phí áp dụng chưa công bằng, chưa phù hợp sẽ tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, ách tắc trong thực hiện. Trên thực tế, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các lô hàng mở tờ khai hải quan ngoài TPHCM phải chịu mức phí cao gấp đôi đối với các lô hàng mở tờ khai hải quan tại TPHCM. Điều này sẽ dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TPHCM càng nhiều, gây quá tải số tờ khai nộp tới hải quan TPHCM và khiến cán bộ hải quan tại đây bị quá tải trong xử lý công việc, gây ách tắc việc khai báo, dẫn đến chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Mức phí áp dụng đối với hàng gửi ở kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng rất cao so với các mức phí của hàng xuất nhập khẩu. Điều này sẽ gây khó khăn cho DN.  

* Ông PARK HYUN BAE, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCTC Việt Nam: Cần tính đến yếu tố cạnh tranh cảng biển 

Cảng Cát Lái được mở từ năm 2007 và hiện đang là cảng lớn nhất ở TPHCM. Đến nay, cần phải đặt cảng này trong bối cảnh cạnh tranh với nhiều cảng biển khác trong khu vực. 

Được biết, UBND TPHCM dự kiến áp dụng mức thu phí mới tại hệ thống Cảng Cát Lái từ ngày 1-4. Với mức thu phí này sẽ không thể cạnh tranh với những cảng biển trong khu vực. Theo tính toán cho thấy, mỗi năm, lượng hàng hóa thông quan qua Cảng Cát Lái tăng 30%, nhưng hạ tầng cảng này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu của DN cũng như mục tiêu mà thành phố đề ra. Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng trong thời gian gần đây ngày càng nghiêm trọng. 

Mặt khác, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, đã và đang làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các DN sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Do vậy, quy định thu phí mới này của TPHCM sẽ gia tăng gánh nặng chi phí cho DN, nhất là trong bối cảnh các DN của Việt Nam đang phải vật lộn để duy trì sản xuất, khắc phục khó khăn do khủng hoảng kinh tế vì dịch Covid 19 đang bùng phát khắp toàn cầu. 

Ở góc độ khác, TPHCM cần tính đến định hướng phát triển kinh tế biển lâu dài và bền vững hơn. Theo đó, tập trung đầu tư cho Cảng Cát Lái là chưa đủ, mà cần tận dụng những cảng khu vực lân cận như Cảng Hiệp Phước, mở thêm các cảng trung chuyển khu vực Cần Giờ… Có như vậy mới thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đồng thời đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu ngày càng tăng của DN trong và ngoài nước.

Theo quy định mới, mức thu phí được điều chỉnh như sau: 


- Đối với hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu thì container 20 feet hàng khô là 2.200.000 đồng/container, container 40 feet hàng khô là 4.400.000 đồng/container và hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 50.000 đồng/tấn. 

- Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TPHCM thì container 20 feet hàng khô là 500.000 đồng/container, container 40 feet hàng khô là 1.100.000 đồng/container và hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 30.000 đồng/tấn. 

- Riêng với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TPHCM thì container 20 feet hàng khô là 250.000 đồng/container, container 40 feet hàng khô là 500.000 đồng/container và hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container là 15.000 đồng/tấn.

Tin cùng chuyên mục