Điều bình thường quý giá

Với nhiều người, “bình thường mới” là lúc trở về nhà, yêu thương và trân trọng hơn những điều đơn giản thường ngày. 
Lực lượng chức năng tháo dỡ chốt kiểm soát tại ngã 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng, quận 1. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lực lượng chức năng tháo dỡ chốt kiểm soát tại ngã 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng, quận 1. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Vừa ăn cơm trưa vừa gọi video call về nhà, trên màn hình điện thoại gương mặt ba mẹ Luân cười tươi trông thấy: “Nay tháo chốt hả con, vậy là sắp được về nhà chưa, để mẹ nấu cháo gà”. Giọng mẹ chưa dứt lời thì tới lượt ba: “Bà hỏi từ từ để nó ăn cơm nữa. Trên xã mình tháo hết chốt hay còn chỗ nào hông con?”.

Là con một trong gia đình, mỗi ngày tranh thủ giờ nghỉ trưa hay lúc rảnh rỗi, Luân lại gọi về nhà để ba mẹ yên tâm. Nhà ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh), dù trực chốt hay tuần tra lưu động cũng chỉ trên địa bàn xã, nhưng suốt hơn 3 tháng ròng rã Luân chưa về nhà.

Lê Hoàng Luân (22 tuổi, dân quân thường trực) chia sẻ: “Nhà cũng sát bên nhưng mỗi ngày xong nhiệm vụ thì tôi về xã nghỉ ngơi cùng anh em chứ không về. Vì khu vực gia đình tôi ở là vùng xanh, tôi đi trực chốt bên ngoài tiếp xúc nhiều nên đâu có dám về để giữ an toàn cho mọi người”. 

Có những ngày sau cuộc gọi là nỗi nhớ nhà, nhưng khi các chốt được tháo dỡ, Luân vẫn còn ậm ừ ngày về: “Hết phần việc trực chốt thì mình vẫn còn nhiệm vụ khác, nên chưa hứa chắc ngày về nhà được để ba mẹ khỏi trông. Nhưng tình hình này, tôi tin ngày hoàn thành nhiệm vụ cũng gần thôi, vì mọi thứ đang dần được kiểm soát tốt lên”.

Tranh thủ làm test nhanh và chạy về thăm nhà khi không còn trực chốt, Nguyễn Minh Phương (28 tuổi, dân quân xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) mừng rỡ: “Tranh thủ chạy về thăm ba mẹ rồi ngó nhà một cái. Mấy tháng nay, tui trực chốt rồi làm nhiệm vụ suốt đâu có về nhà, ngoài vườn, ngoài ruộng chắc ba má tui lo không xuể”.

2. Trên fanpage “Tôi là dân Gò Vấp”, một dòng viết ngắn gọn: “Tui cần nhờ gấp ai đi được Thủ Đức, chở dùm chồng tui 3 tại chỗ mấy tháng về nhà, liên hệ 0903xxx”. Dòng trạng thái đưa lên, nhiều người vô chọc ghẹo chị vợ mong ngóng chồng về, nhưng hầu như ai cũng chia sẻ niềm vui với người vợ trẻ đó. 

Khi TPHCM bắt đầu “bình thường mới”, với nhiều người đó cũng là khoảnh khắc trở về nhà sau 3 tháng “3 tại chỗ”. “Ngày nào, tôi cũng gọi về nhà nhưng nhớ con lắm. Mà nghĩ lại lúc dịch giã thế này, mình vẫn còn công việc để làm, công ty tạo điều kiện sinh hoạt 3 tại chỗ rất tốt, vậy là đủ may mắn hơn nhiều người rồi, nên cứ ráng. Bữa nay ra ca, làm test nhanh xong là được về nhà mà mừng quá trời, được ôm con rồi ăn cơm má tui nấu, chứ không chỉ nhìn qua điện thoại nữa”, chị Nguyễn Thị Thảo (28 tuổi, công nhân, ngụ huyện Bình Chánh) kể.

Khi những con đường thành phố đã bớt chốt kiểm soát, nhiều người bắt đầu… mang cả công ty về nhà. Tay xách nách mang hành lý, anh Nguyễn Văn Lâm (kỹ sư hóa chất, ngụ quận 7) hóm hỉnh: “Tụi bạn trong công ty tui ghẹo với nhau, đứa nào cũng vali, túi xách đồ đạc lỉnh lỉnh như Việt kiều về nước. Hồi đi thì như vác cả nhà lên công ty, giờ vác cả… công ty về nhà. Đúng là không ở đâu như nhà hay phòng trọ của mình, đã quen với nó năm dài tháng rộng, lên công ty ở 3 tháng trời mà tui vẫn không quen được, vẫn nhớ cái phòng trọ nhỏ của mình”.

3. Nhịp sống ở TPHCM nhộn nhịp dần trong sự cho phép, niềm vui của nhiều người chỉ đơn thuần được tự tay lựa bó rau, con cá… sau mấy tháng trời chỉ có thể đặt mua online hoặc nhờ đi chợ giúp.

Tại một siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), chất gọn 2 túi hàng lên xe, chị Ngô Thanh Nhàn (37 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: “Thiệt tình là tôi không phải dân nội trợ khéo tay lắm đâu, nhưng mà cảm giác mình đi siêu thị, tự tay chọn bó cải, loại trái cây đúng ý thích, gia đình vẫn thấy vui hơn là mua hàng online”.

Trong sự trở lại đó, được đến công ty làm việc cũng trở thành niềm hạnh phúc. Kiểm tra lại ba lô đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay, kính chống giọt bắn, Hồ Thanh Nhân (26 tuổi, nhân viên IT, ngụ quận 7) chia sẻ: “Ngày thường đi làm trông ít việc, chứ ở nhà lại mong ngày được lên công ty làm. Công ty tôi, một số bộ phận bắt đầu làm việc trực tiếp, đảm bảo 5K, nguyên tắc phòng chống dịch, nói chung là đi làm thì mạnh ai nấy làm, không tụ họp tám chuyện, nhưng được lên công ty làm trở lại là thấy vui rồi”.

Trở về nhà, đi chợ, đi làm hay đi học… những câu chuyện rất đỗi bình thường, nhưng khi đối mặt với dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, điều bình thường trở thành hạnh phúc quý giá. Ở một góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là một tác động đủ mạnh để mỗi người trân trọng hơn những điều bình thường, mà đôi khi giữa nhịp sống hối hả, chúng ta đã bỏ quên đâu đó.

Tin cùng chuyên mục