Điệp khúc cuối năm: đào đường, làm vỉa hè

Tại TPHCM, năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ vào cuối năm thì hàng loạt công trình làm vỉa hè, đào đường để lắp đặt công trình ngầm lại tấp nập “tăng tốc”. 
Phương tiện giao thông nối đuôi nhau đi trên vỉa hè đường Phạm Thế Hiển chiều 2-1-2018 qua công trình đào đường thi công ngầm gần ngã 3 Phạm Thế Hiển - Phạm Hùng. Ảnh: CAO THĂNG
Phương tiện giao thông nối đuôi nhau đi trên vỉa hè đường Phạm Thế Hiển chiều 2-1-2018 qua công trình đào đường thi công ngầm gần ngã 3 Phạm Thế Hiển - Phạm Hùng. Ảnh: CAO THĂNG
Bán buôn ế ẩm
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí phố xá đã nhộn nhịp kẻ bán người mua. Thế nhưng, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP, từ trung tâm quận 1 đến các cửa ngõ như quận 6, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình…, mặt đường bị đào xới lên để thay lớp nhựa mới, hoặc lắp đặt hệ thống ngầm. Không chỉ có đường, nhiều nơi vỉa hè cũng được xới tung lên để làm lại mới, dù theo nhận xét của người dân là không cần thiết. Tình trạng này, không những gây ách tắc giao thông, người dân buôn bán ế ẩm, mà còn khiến mặt đường nhiều nơi chằng chịt “sẹo”.
Đường Hoàng Văn Thụ (đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến ngã tư Bảy Hiền) những ngày vừa qua đã khiến không ít người đi đường ngán ngẩm, vì mặt đường lồi lõm và bụi bay mù mịt do bị cào lên để thảm lớp nhựa mới. Phương tiện giao thông qua đây luôn trong tình trạng ùn ứ kéo dài, bất kể giờ cao hay thấp điểm. 
Cùng thời điểm này, trên vỉa hè đường Ba Tháng Hai (đoạn từ vòng xoay Cách Mạng Tháng Tám đến đường Lê Hồng Phong), công nhân tất bật khuân vác vật tư, đóng cốt pha đổ bê tông hàng chục ô vuông bo quanh những gốc cây cổ thụ dọc tuyến đường. Những ô vuông này rộng hơn 2m2, trong khi phần lớn vỉa hè đã bị lấn chiếm làm nơi đậu xe buôn bán, nên việc lưu thông của người đi bộ càng thêm khó khăn.
Anh Đinh Quốc Vĩnh - một người dân ngụ tại đây - bức xúc: “Thật không hợp lý khi chọn lúc áp tết để lát vỉa hè, vì đây là thời điểm hoạt động kinh doanh tấp nập. Vỉa hè bị đào bới ảnh hưởng rất nhiều đến việc buôn bán của chúng tôi”. Do vỉa hè đã trở thành “công trường” nên nhiều xe máy chở và giao hàng hóa phải đậu dưới lòng đường để xuống hàng, khiến giao thông thường xuyên ùn tắc. 
Cần thay đổi quy trình đầu tư
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TPHCM có 109 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Đứng đầu về số lượng là Dự án Cải tạo môi trường nước giai đoạn 2, đào 19 tuyến đường (trên địa bàn các quận 5, 6, 11) để lắp đặt hơn 10km cống thoát nước và khôi phục 2 đoạn kênh Hàng Bàng dài 1.830m, lắp đặt 3 trạm bơm chống ngập nước.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng thi công gây cản trở giao thông, trong năm 2017, Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã kiểm tra nhắc nhở 29 trường hợp (vi phạm những quy định về rào chắn, biển báo hiệu công trường, biển công bố thông tin, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, không hoàn trả phần đường khi thi công xong…), xử phạt 22 trường hợp với số tiền 189 triệu đồng. 
Trước ngày khởi công, Ban quản lý Dự án Cải tạo môi trường nước giai đoạn 2 từng khẳng định: “Để giảm ùn tắc giao thông, đơn vị sẽ thi công theo hình thức cuốn chiếu, nghĩa là thi công hoàn chỉnh một đoạn dài khoảng 70m rồi mới tiếp tục thi công đoạn tiếp theo”. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều điểm thi công kéo dài từ tháng này qua tháng khác, thậm chí năm này qua năm khác vẫn chưa xong, gây ách tắc giao thông triền miên.
Về việc có nhiều công trình thi công dồn dập vào thời điểm giáp tết, thậm chí một tuyến đường bị đào xới nhiều lần, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), cho biết nguyên nhân là do “quy trình”. Cụ thể, các công trình muốn thực hiện thì đầu năm phải lên kế hoạch, thiết kế, phê duyệt, ghi vốn theo quy định.
Thường một dự án phải mất khoảng 9 - 10 tháng trở lên mới được duyệt vốn, giải ngân để thực hiện. Vì vậy, để hạn chế việc các công trình thi công dồn vào cuối năm thì cần phải thay đổi quy trình. Theo ông Đường, đối với những khu vực có công trình thi công trùng lắp, Sở GTVT chỉ xem xét cấp phép đào đường khi các chủ đầu tư có kế hoạch thi công chi tiết, đồng bộ. Trong năm 2018, trên địa bàn TP có 39 tuyến đường có ít nhất 2 công trình thi công đào đường, nơi nhiều nhất có đến 4 công trình. Theo yêu cầu của Sở GTVT, ở các tuyến đường có công trình thi công trùng lắp, chủ đầu tư phải làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan, lên phương án thi công đồng bộ, không đào đường và tái lập nhiều lần.
Với thực trạng “mạnh ngành nào ngành nấy đào” như hiện nay, cần một đơn vị đứng ra làm “nhạc trưởng” để điều phối hài hòa, phù hợp. Mặt khác, TP phải có một “tổng chỉ huy” đủ sức kết nối các đơn vị, đồng thời phải xử lý mạnh tay đối với những nhà thầu thi công bê bối.

Tin cùng chuyên mục