Diện tích điều giảm 8 năm liên tiếp ​

Sáng nay 5-5, tại thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) đã khai mạc Hội nghị Phát triển ngành điều Việt Nam để tìm hướng đi bền vững cho ngành sản xuất, chế biến điều xuất khẩu 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Sở NN-PTNT của 10 địa phương có diện tích trồng điều, doanh nghiệp sản xuất chế biến, xuất khẩu điều và nông dân sản xuất.

Tại hội nghị các địa biểu đã được nghe báo cáo của Cục trồng trọt về hiện trạng ngành điều Việt Nam. Cụ thể, diện tích điều cả nước giảm liên tục trong 8 năm (2007 - 2015) từ gần 440.000 ha xuống còn 290.000 ha.

Các năm sau đó, diện tích điều có xu hướng phục hồi vào năm 2017 đạt 297.498 ha. Vùng Đông Nam bộ là vùng sản xuất điều có quy mô lớn nhất, năm 2017 toàn vùng có 183.700 ha, sản lượng 140.600 tấn, chiếm 61,6% về diện tích, 66,6% về sản lượng điều cả nước.

Tiếp sau đó là 2 vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.
Diện tích điều giảm 8 năm liên tiếp ​ ảnh 1 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị . Ảnh: HOÀNG BẮC
Tỉnh Bình Phước có diện tích điều lớn nhất cả nước, trong niên vụ 2015 – 2016 do thời tiết khô hạn làm giảm năng suất, sản lượng điều. Đặc biệt trong các tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa trùng vào thời điểm cây điều ra hoa thụ phấn, kết hợp với bệnh hại khiến năng suất điều chỉ còn 0,715 tấn/ha.  

Tuy nhiên, năng suất điều của Việt Nam vẫn cao hơn năng suất bình quân của thế giới (600kg/ha).

Trong đó giai đoạn 2005-2015, điều thô tăng  2,3%/năm, đạt sản lượng 352.000 tấn; ngược lại diện tích điều giảm 4,8%/năm.

Năm 2017, do năng suất giảm nên sản lượng điều thô cũng giảm chỉ đạt 210.899 tấn. 

Còn theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2016, lượng hạt điều nguyên liệu đã đưa vào chế biến 1,5 triệu tấn, như vậy nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ được 31,67 %.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương khẳng định đang hướng tới việc tập trung vào việc phát triển chuỗi giá trị thích hợp với từng tiểu vùng nhằm tăng năng suất; đầu tư vào việc chế biến sâu hơn; áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn con giống. Và đặc biệt là kết hợp tổ chức chỉ đạo sản xuất tạo điều kiện cho bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp, xây dựng hợp tác xã để phát triển một cách quy mô, khắc phục tình trạng làm ăn tự do, manh mún.

Các địa phương và doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hợp lý để hỗ trợ và phát triển ngành điều trong cả nước.

Diện tích điều giảm 8 năm liên tiếp ​ ảnh 2 Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: KIM NGÂN

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Trong 30 năm trở lại đây, ngành điều Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để xây dựng thương hiệu điều Việt Nam.

Điều trở thành ngành mũi nhọn trong nông sản và đã thu hút lao động, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu dân. Tuy diện tích có giảm, nhưng sản lượng điều liên tục tăng.

Đến nay, trong cả nước đã xây dựng được hơn 400 cơ sở chế biến hạt điều tạo tiền đề hình thành một công nghiệp và chế biến hạt điều quy mô lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cây điều cho thu nhập không cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết. Do đó ngành nông nghiệp xác định đến năm 2030 không tăng diện tích mà tập trung tái cơ cấu ngành điều, doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu và tập trung chế biến sâu, thâm canh đúng quy trình, xây dựng mô hình và ổn định đầu ra…

Tin cùng chuyên mục