Diện mạo văn học thiếu nhi

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, NXB Kim Đồng vừa ấn hành 2 tuyển tập: 65 bài thơ hay và 65 truyện ngắn hay. Vượt ra ngoài mục đích kỷ niệm, cả hai ấn phẩm này đã cho thấy diện mạo và lịch sử của văn học thiếu nhi Việt Nam.
Hai tuyển tập do NXB Kim Đồng vừa ấn hành, chỉ trong thời gian ngắn đã được tái bản
Hai tuyển tập do NXB Kim Đồng vừa ấn hành, chỉ trong thời gian ngắn đã được tái bản

Những thế hệ tiếp nối

65 bài thơ hay do nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn, còn nhà văn Trần Đức Tiến là người tuyển chọn cho 65 truyện ngắn hay. Nhà văn Trần Đức Tiến cho biết, truyện ngắn (cũng như sáng tác nói chung) viết cho thiếu nhi luôn có sự biến động, trôi chảy theo dòng đời. “Tôi không giấu tham vọng đem tới cho bạn đọc một cái nhìn, một cách đánh giá riêng về thành tựu của thể loại này, dựa trên những gì mình thu hoạch được trong dòng chảy đó”, ông nói. 

Với 65 bài thơ hay và 65 truyện ngắn hay, các truyện ngắn và thơ được viết trước hết hướng đến đối tượng bạn đọc là thiếu nhi, trong suốt thời kỳ trước năm 1945 cho tới nay. Những người làm công việc tuyển chọn cũng ưu tiên chọn tác phẩm của những tác giả dành nhiều tâm huyết, công sức cho văn học thiếu nhi, có thành tựu nhất định, đặc biệt là những tác giả mới và trẻ. 

Chính nhờ điều đó nên ở hai ấn phẩm đã điểm danh tương đối đầy đủ các thế hệ viết cho thiếu nhi. Từ những tác giả quá cố, được xem như thế hệ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền văn học thiếu nhi nước nhà như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ… cho đến những tác giả nay đã lớn tuổi như Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thiều, Lê Phương Liên, Quế Hương, Nguyên Hương… 

Và đặc biệt, thế hệ viết cho thiếu nhi được tiếp nối với những tác giả trẻ đầy tiềm năng như Nguyễn Ngọc Thuần, Thụy Anh, Lục Mạnh Cường, Nguyễn Thị Kim Hòa, Lê Minh Nhựt, Võ Thu Hương... Một số tác giả 9X cũng có tác phẩm được đưa vào tuyển tập như Lê Quang Trạng, Cao Nguyệt Nguyên, Dương Hằng, Ngô Gia Thiên An. 

Trong chương trình tọa đàm “Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ” do NXB Kim Đồng tổ chức gần đây, nhiều ý kiến cùng bày tỏ lo ngại liệu có sự đứt gãy giữa các thế hệ viết cho thiếu nhi hay không? Theo nhà văn Trần Đức Tiến, hoàn toàn không có sự đứt gãy này. Chỉ cần nhìn vào hai tuyển tập mà NXB Kim Đồng vừa ấn hành sẽ thấy được sự tiếp nối đó. Quan trọng hơn, không riêng gì văn học thiếu nhi mà văn học nghệ thuật nói chung giống như một dòng chảy, và dòng chảy đó vẫn luôn trôi đi.

Tư liệu quý giá 

Một điều dễ nhận thấy khi tiếp nhận hai ấn phẩm 65 bài thơ hay và 65 truyện ngắn hay chính là sự phong phú, đa dạng về đề tài: gia đình, bạn bè, nhà trường, sinh hoạt, loài vật, thiên nhiên, môi trường, lịch sử, văn hóa, chiến tranh cách mạng… Hai tuyển tập mang đến điều mới lạ về quê hương đất nước, giúp các độc giả nhỏ tuổi thêm yêu mến, tự hào về Tổ quốc. Nhờ đó, hai ấn phẩm này không chỉ là món ăn tinh thần bổ ích cho độc giả mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những người làm công tác giảng dạy hay nghiên cứu văn học thiếu nhi. 

Ngoài thể loại truyện đồng thoại, được xem như một “đặc sản” của văn học thiếu nhi Việt Nam, trong hành trình trưởng thành, truyện thiếu nhi Việt Nam đã có những bước tiến thể hiện rõ hơn vị thế của dòng “Văn học xanh”, mang tinh thần sinh thái. Với 65 bài thơ hay, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đánh giá: “Đằng sau các bài thơ thiếu nhi là sức sống của tình người, là cội nguồn của yêu thương, có chức năng bồi dưỡng, phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ”. 

Tuy vậy, theo PGS-TS Bùi Thanh Truyền, do bị “trói buộc” vào con số 65 nên hai tuyển tập vẫn còn những hạn chế nhất định khi không thể điểm danh hết những gương mặt đã có những đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển của văn học thiếu nhi nước nhà. Riêng ở lĩnh vực văn xuôi, không ít nhà văn, tương tự Khái Hưng, dù thành danh ở mảng viết cho người lớn, nhưng cũng có một “miền xanh thẳm” là những sáng tác cho tuổi thơ như Thạch Lam, Nam Cao, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư… 

Ngoài ra, theo PGS-TS Bùi Thanh Truyền, trong tuyển tập còn có một vài gương mặt chưa toàn tâm toàn ý với văn học thiếu nhi, hoặc chưa có sáng tác nổi bật, kể cả truyện được tuyển chọn lần này. “Hạn chế về số lượng tác giả và tác phẩm, sách cũng ít truyện viết về đối tượng trẻ mầm non. Mảng truyện về trẻ em với đời sống công nghệ, về những bất toàn của môi trường sống trẻ thơ cũng khá khiêm tốn”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền nhận xét.

“Khác với chúng ta, văn học thiếu nhi ở các nước văn minh thường không câu nệ đến chuyện trong tác phẩm phải dạy cho các em bài học gì, nói cho các em thông điệp gì… Vấn đề lớn nhất của họ là kể làm sao để cho bọn trẻ con khoái, thích nghe. Các em phải thích nghe, thích đọc trước, sau đó mới đến chuyện nói cái gì”, nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục