Diễn kịch để cổ vũ văn hóa đọc

Tại TPHCM, sau huyện Nhà Bè, nhóm kịch Chi Chi Chành Chành vừa tiếp tục đến với các em nhỏ của quận 12 vào ngày 19-7. Thông qua vở kịch Chuyến phiêu lưu kỳ thú, nhóm hy vọng lan tỏa và truyền tình yêu đọc sách đến các em nhỏ. 

Cầu nối giữa trẻ và sách

Chỉ với 5 diễn viên (có người phải kiêm thêm vai), cùng những đạo cụ đơn giản, nhưng vở kịch Chuyến phiêu lưu kỳ thú đã nhận được sự cổ vũ và những tràng pháo tay không ngớt của khán giả nhí có mặt tại chương trình. Vở kịch là câu chuyện về một cậu bé lười đọc sách, một ngày nọ, cậu tình cờ bị lạc trong một thư viện với rất nhiều cuốn sách. Tại đây, cậu đã được gặp bà ngoại của cô bé quàng khăn đỏ, chó sói, nhà thông thái… 

Một phân cảnh trong vở Chuyến phiêu lưu kỳ thú của nhóm Chi Chi Chành Chành.  Ảnh: PHƯƠNG VY
Nhân vật cậu bé đã có một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm nhưng cũng vô cùng kỳ thú, khi được gặp những nhân vật bước ra từ trang sách. Và nhờ đọc sách, nhờ được các nhân vật đó hỗ trợ nên cậu được bình an trở về nhà với mẹ. Với thời lượng 35 phút, buổi diễn ở Huyện đoàn Nhà Bè hôm đó đã nhận được sự tương tác nhiệt tình của các em. Nhiều em còn nhập tâm vào vở kịch bằng cách hét lớn để cảnh báo nguy hiểm cho nhân vật cậu bé trong kịch, hay đoán trúng nhân vật lịch sử ngay từ khi nhân vật mới bước ra… 

Chuyến phiêu lưu kỳ thú là vở kịch mới nhất của nhóm Chi Chi Chành Chành vừa được hoàn thành và sẽ lần lượt “lên đường” đến với các em nhỏ trên địa bàn TPHCM mùa hè năm nay. Trước vở kịch này, Chi Chi Chành Chành cũng đã có 2 vở là Mai An Tiêm và Lý Thông - Thạch Sanh, mỗi vở đều đã diễn hơn 20 suất. Thông qua những vở kịch ngắn này, tình yêu đọc sách được nhóm truyền tải một cách sinh động và hóm hỉnh, nhờ đó đã tác động không nhỏ đến các em, giúp các em bắt đầu làm quen với sách, tìm thấy trong đó những điều lý thú và bổ ích. 

Không chỉ diễn kịch để cổ vũ văn hóa đọc, Chi Chi Chành Chành còn thường xuyên diễn kịch tuyên truyền và phổ biến về an toàn giao thông cho học sinh các cấp học. Nhóm đã có các vở theo chủ đề này, gồm: Sơn Tinh - Thủy Tinh, Rùa và Thỏ, Bài học của Thần chết và Câu chuyện ước mơ. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã diễn khoảng 300 suất cho 2 chủ đề. 

Trưởng nhóm của Chi Chi Chành Chành là Bảo Châu, một cô gái gốc Bắc nhưng có thể nói giọng miền Nam “ngọt lùi”. Theo chia sẻ của Bảo Châu, từ năm 2016, cô bắt đầu về trường học, diễn cho học sinh theo lời mời từ các nhãn hàng. Có những chương trình chỉ Châu độc tấu, kể chuyện, đôi khi có sự hỗ trợ từ bạn diễn khác. “Tiếng lành đồn xa”, vào năm 2019, Báo Khăn Quàng Đỏ tìm đến Châu để cùng kết hợp thực hiện các chương trình với 2 chủ đề: An toàn giao thông và văn hóa đọc tại các trường học, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi. Từ lúc này, Châu mới “chiêu mộ” thêm cộng sự cho mình.

“Nuôi dưỡng” khán giả tương lai 

Bảo Châu kể, với đặc thù là nhóm kịch lưu động nên việc đi diễn xa với các thành viên của Chi Chi Chành Chành là “chuyện thường ngày ở huyện”. Ngoài các vùng ngoại thành của TPHCM, nhóm từng diễn ở Vũng Tàu, Tiền Giang, xa nhất là Bình Định. Có những đêm, 11-12 giờ khuya mới đi diễn về, nhưng ngày hôm sau, 4 giờ sáng, tất cả đã phải lọ mọ dậy để lên đường, theo xe về điểm diễn. 
 
So với các sân khấu chuyên nghiệp, thù lao cho những buổi diễn của Chi Chi Chành Chành đương nhiên không thể bằng, nhưng những điều mà nhóm nhận được lại đầy ý nghĩa. Đó là khi diễn cho thiếu nhi, hầu như ai cũng có cảm giác trẻ lại và hào hứng hơn. Các bạn được chạy nhảy, nô đùa, được hóa thân vào các nhân vật khác với bản thân mình. Đặc biệt, những lúc được diễn cho thiếu nhi, các bạn cũng nhận về nguồn năng lượng tích cực và dồi dào.

“Có những buổi sáng, còn đang mơ màng, mệt mỏi nhưng chỉ cần bước ra sân khấu diễn cho các em là lập tức chúng tôi được hồi sinh năng lượng, và nguồn năng lượng đó được kéo dài cả một ngày. Đó cũng là cách để chúng tôi tự tiếp lửa nghề cho bản thân mình”, Bảo Châu bày tỏ. 

Thêm một lý do khiến Bảo Châu và các thành viên của Chi Chi Chành Chành quyết tâm duy trì nhóm kịch mấy năm nay, đó là góp phần nuôi dưỡng những khán giả tương lai cho sân khấu. Bảo Châu kể, nhiều lần, khi nhóm ra về, nhiều em học sinh kéo theo ra đến tận cổng trường để tiễn, nhưng bị bảo vệ chặn lại vì các em không được phép ra khỏi cổng trường. Chính tình cảm đó chính là động lực để Châu và các thành viên tiếp tục gạt bỏ những khó khăn để về diễn cho các em.

“Trông thấy cảnh tượng đó, chúng tôi thực sự rất hạnh phúc, thấy mình chỉ cần thế thôi. Và nếu như sau, 10 năm, 20 năm nữa, khi các em lớn lên, chính các em sẽ là người mua những tấm vé để đến xem kịch tại các sân khấu kịch chuyên nghiệp. Đó là điều mà chúng tôi vô cùng tin tưởng và hy vọng. Gọi là sứ mệnh có thể hơi lớn lao, nhưng thực sự chúng tôi mong muốn tạo nên một lớp khán giả trẻ yêu kịch và mê nghệ thuật”, 
Bảo Châu tâm sự.

Tin cùng chuyên mục