Diễn đàn “Xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước”: Cần nhiều hơn nữa “công viên Bến Bạch Đằng”

Việc công viên Bến Bạch Đằng được đưa vào phục vụ người dân là điều rất đáng hoan nghênh, TPHCM cần tiếp tục đầu tư thêm nhiều không gian công cộng.
Du khách TPHCM tham quan sông Sài Gòn bằng tuyến buýt đường sông. Ảnh: Thi Hồng
Du khách TPHCM tham quan sông Sài Gòn bằng tuyến buýt đường sông. Ảnh: Thi Hồng

LTS: Sau khi Báo SGGP đăng bài phản ánh, ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp về công viên Bến Bạch Đằng và những vấn đề xoay quanh việc xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước, để người dân có không gian công cộng và được hưởng lợi từ thiên nhiên, Báo SGGP tiếp tục đón nhận nhiều ý kiến của bạn đọc, người dân quan tâm đến vấn đề này. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (chuyên gia đô thị học) về xây dựng không gian công cộng ở TPHCM.

Tuổi thọ con người dài hay ngắn, chất lượng sống của người dân cao hay thấp có sự đóng góp rất lớn của không gian xanh và không gian “mềm” ở nơi người dân sinh sống. Thế nên, việc công viên Bến Bạch Đằng được đưa vào phục vụ người dân là điều rất đáng hoan nghênh, và TPHCM cần tiếp tục đầu tư thêm nhiều không gian công cộng.

1. Tết Nhâm Dần vừa qua, TPHCM với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp đã chỉnh trang, nâng cấp công viên Bến Bạch Đằng kịp thời đưa vào phục vụ người dân nhân dịp năm mới. Dù không sánh được với dải công viên dọc sông Hàn của Seoul, sông Hoàng Phố của Thượng Hải hay công viên sông Hàn của Đà Nẵng, nhưng đây cũng là một cố gắng đáng ghi nhận. Tất nhiên, công viên Bến Bạch Đằng cần phải thêm nhiều tiểu cảnh, cây xanh, ghế đá và dịch vụ tiện ích chứ không chỉ dừng ở mặt bằng được trang trí. Việc này là để cho công viên Bến Bạch Đằng trở thành mặt tiền của TPHCM. 

Nhìn rộng ra, không gian công cộng (KGCC) cho người dân TPHCM quá thiếu. Thành phố này thiếu một hệ thống KGCC đa dạng, đa chức năng từ cấp thành phố đến cộng đồng. Các KGCC rộng lớn như quảng trường, rừng sinh thái, các vườn thực vật lớn gần như vắng bóng ở TPHCM. Cho đến nay, những nơi gọi là quảng trường như Quảng trường 30-4, Quảng trường Quách Thị Trang, Quảng trường Mê Linh thì chỉ là những giao điểm rất nhỏ, không xứng tầm. Còn quảng trường lớn nhất, hoành tráng nhất TPHCM ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, rộng đến 21ha, thì chưa biết bao giờ ra đời.

Các công viên đúng nghĩa ở TPHCM cũng rất ít, hầu hết là các công viên nhỏ và vừa như 23-9, Thảo Cầm Viên, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ, Gia Định. Các công viên này đơn điệu và hầu như công viên nào cũng có phần diện tích bị chiếm dụng để làm hàng quán, bãi giữ xe. Hiện nay, công viên có diện tích lớn nhất như Gia Định cũng chỉ 5ha (kể cả đường giao thông nhanh chạy qua, sân bóng đá nhân tạo, nhà hàng, quán cà phê, rạp xiếc). Công viên lớn nhất ở Củ Chi với diện tích 450ha có tên Safari chưa biết bao giờ xuất hiện, dù đề án đã xây dựng từ 20 năm trước.

2. So với các thành phố lớn của Đông Nam Á thì TPHCM là nơi có ít cây xanh nhất (0,7m²/người, tính cả rừng sinh thái Cần Giờ), ít KGCC nhất và KGCC có diện tích nhỏ nhất. Singapore có diện tích 700km², chỉ bằng 1/3 TPHCM, nhưng ngay khi mới tách khỏi Malaysia vào năm 1965, ông Lý Quang Diệu đã quyết định dành hẳn 85ha ở giữa trung tâm đảo quốc để xây dựng một “thảo cầm viên” (Singapore Botanic Gardens). Hiện nay, nó được coi là vườn thực vật đẹp nhất Đông Nam Á với hàng ngàn loại thảo mộc quý hiếm.

Nhìn rộng ra thì thành phố nào ở châu Á cũng có những khu vườn hay rừng sinh thái lớn như thế. Nơi đây yên tĩnh, mát mẻ, thích hợp không chỉ cho cá nhân giải tỏa căng thẳng, tĩnh tâm suy nghĩ mà cho cả gia đình, nhóm bạn cuối tuần rủ nhau đến cắm trại, giao lưu. 

3. Một vài năm gần đây, ở TPHCM có thêm các KGCC ở các khu dân cư mới. Đó là các KGCC ở các chung cư, do chủ đầu tư xây dựng. Các KGCC này tuy nhỏ nhưng cũng có cây xanh, thảm cỏ, hồ bơi mini, ghế đá, tiểu cảnh và là nơi để cư dân, nhất là người già, trẻ em, vui chơi. Trong bối cảnh tấc đất tấc vàng, các công viên mini này là sự cố gắng của nhà đầu tư góp phần làm cho đời sống chung cư bớt tẻ nhạt, khô cứng.

Ai đó nói, tại TPHCM ít đất, chưa đủ cho nhà ở thì hà cớ gì phải dành cho KGCC. Nói như vậy không đúng. Nhiều thành phố có mật độ dân số cao hơn TPHCM, diện tích tương đương, thậm chí là nhỏ hơn, nhưng họ vẫn dành “đất kim cương” cho vườn cây, công viên. Vấn đề là tầm tư duy. Nên biết, tuổi thọ dài hay ngắn, chất lượng sống của người dân cao hay thấp có sự đóng góp rất lớn của không gian xanh và không gian “mềm” của thành phố.

Hy vọng sau công viên Bến Bạch Đằng, TPHCM sẽ có thêm nhiều KGCC phục vụ người dân.

Thiếu KGCC dẫn đến TPHCM hầu như nóng quanh năm, do TPHCM nằm ở nơi nhiệt đới gió mùa; lúc nào cũng có nhiều khói bụi, nhiệt của 9 triệu xe có động cơ thải ra và lúc nào cũng náo nhiệt bởi hoạt động thường trực của hơn 10 triệu người. Hơn thế nữa, hơn 85% diện tích bề mặt của các quận nội thành đã bị bê tông hóa. Một thành phố như thế cần nhiều KGCC đa cấp, cần nhiều cây xanh, thảm cỏ, mặt nước, cần nhiều ghế đá, nhiều công viên, vườn hoa lớn nhỏ.

Tin cùng chuyên mục