Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018: Những lời thẳng thắn từ doanh nghiệp

Nhiều kiến nghị quan trọng và thẳng thắn đã được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Chính phủ Việt Nam nhằm tác thành những “cuộc hôn nhân tốt đẹp” giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng bền vững.


Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn

Sáng 4-7, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousman Dione, Giám đốc quốc gia cấp cao phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế Kyle F. Kelhofe đồng chủ trì Diễn đàn.

Khung chính sách cần đầy đủ, minh bạch và có thể dự đoán được

Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, hàng loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…) đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, trên thực tế không phải tất cả các Bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Chẳng hạn, sau 4 năm đưa vào thực hiện, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dù tất cả các Bộ ngành đã được yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh, song đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. Bốn Bộ khác (Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế) đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp. “Còn lại các Bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”, Chủ tịch VCCI thẳng thắn.

Cùng nhận định cho rằng vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng khung chính sách đầy đủ, minh bạch và có thể dự đoán được là hết sức quan trọng, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc, ông Kim Heung Soo cho biết, Tập đoàn thép Posco đã thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam vào năm 1994 và đang có nhiều hợp tác thành công bao gồm chuyển giao công nghệ. Tháng 1 năm 2019, tập đoàn mới cần gia hạn thời hạn của liên doanh, tuy nhiên tháng 6 năm 2017, mặc dù chưa hết thời hạn liên doanh, Chính phủ Việt Nam đã cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp Việt Nam ở Hải Phòng (cũng thuộc liên doanh), khiến cho liên doanh của Posco phải kết thúc trước hạn.

Không riêng Posco, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư và hoạt động ở Việt Nam đầu những năm 90 dưới hình thức liên doanh cũng để cho doanh nghiệp Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất nên những quyết định hành chính tương tự sẽ làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật và hợp tác cùng phát triển dưới hình thức liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Tương tự, doanh nghiệp Vina Pioneer ở tỉnh Hưng Yên vẫn còn thời hạn ưu đãi được bảo đảm trong Luật Đầu tư cũng bất ngờ nhận được thông báo về việc bị chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương. Mặc dù doanh nghiệp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận là nằm trong khu vực được hưởng ưu đãi về pháp luật nhưng vẫn nhận được thông báo từ Tổng cục Thuế cho rằng doanh nghiệp không thuộc đối tượng được ưu đãi.

“Những trường hợp này không phải là vấn đề của riêng một doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đều xem đây là vấn đề rất nghiêm trọng, làm thu hẹp hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và ảnh hưởng đến ý định hợp tác với doanh nghiệp địa phương”, Chủ tịch KoCham nhấn mạnh.

Trần nợ công nên nới, nhưng kỷ luật ngân sách phải “thắt”

Trong khi đó, ông Koji Ito, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đưa ra đề xuất về 3 nội dung cụ thể. Đó là cải cách thủ tục hành chính, nợ công và môi trường.

Về “cải cách thủ tục hành chính”, ngoài 2 khuyến nghị đã nêu tại VBF giữa kỳ 2017 (thành lập một ủy ban mới có đầy đủ quyền hạn tiếp nhận, xử lý mọi vấn đề phát sinh, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ và có quy định thống nhất về việc sử dụng các “công văn” hướng dẫn thực thi luật), đại diện JCCI đề xuất thêm việc “thí điểm dự án đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính”. Cụ thể là chọn Tổng cục Hải quan để tổ chức thí điểm, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp các nước thực hiện các hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục hải quan.

Đáng lưu ý, đại diện nhà đầu tư một lần nữa bày tỏ quan ngại về vấn đề nợ công và cho rằng nếu Chính phủ quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP, thì sẽ cản trở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi Việt Nam đang rất cần những khoản đầu tư này để bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Cơ sở hạ tầng lạc hậu sẽ làm giảm sức hút đầu tư của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, và hơn nữa cũng làm mất đi cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.

“Dĩ nhiên - ông Koji Ito nói thêm – JCCI không hề phản đối việc phải duy trì kỷ cương về chính sách tài khóa. Không những thế, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề và có những giải pháp căn bản như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu và chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay”.

Thứ ba, về vấn đề môi trường, nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, Nhật Bản từng có thời kỳ phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, khi quy mô sản xuất, tiêu dùng, lượng rác thải lớn gây ô nhiễm… Nhưng Nhật Bản đã khắc phục được vấn đề này chủ yếu nhờ các công nghệ môi trường hiện đại và chính sách khuyến khích doanh nghiệp có hoạt động thân thiện với môi trường. JCCI “tin tưởng rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho Việt Nam xử lý vấn đề môi trường của mình và trong thời gian tới mong muốn sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong các vấn đề môi trường”.

Ý kiến các nhà đầu tư

Ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham: “Hiện đại hóa giáo dục, đảm bảo chi phí lao động hợp lý”

Nền tảng để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là năng suất lao động. Nhiều nghiên cứu cho thấy chương trình giáo dục ở Việt Nam chưa được cập nhật, giáo viên bị quá tải trong khi mức lương chưa tương xứng, sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng làm việc mà khu vực tư nhân kỳ vọng ở họ.

Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, Chính phủ cần tiếp tục hành động để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống giáo dục quốc gia, nhất là ở cấp độ trường nghề và giáo dục đại học. Hiện đại hóa giáo dục nhằm đảm bảo rằng Việt Nam có một đội ngũ quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên có chuyên môn cao giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khi nền kinh tế phát triển.

Một điều đáng lưu ý là những năm vừa qua, việc tăng lương cùng với chi phí bảo hiểm bắt buộc không hề làm cho năng suất lao động tăng. Kết quả là nhiều công ty tại Việt Nam đã bị suy giảm hiệu suất trên mỗi đô la đầu tư vào nguồn nhân lực. Đây là một yếu tố không bền vững. Chúng tôi cũng đặc biệt quan ngại về yếu tố chi phí kinh doanh khi nghe thông báo của Bộ Lao động về một điều khoản gây nhiều tranh cãi là “yêu cầu người lao động nước ngoài phải đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam”. Điều này làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong cộng đồng các doanh nghiệp và người lao động nước ngoài tại Việt Nam vì chi phí tăng, nhưng không có gì chứng minh rằng lao động nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ những đóng góp đó.

Ông Nicolas Audier, Đồng Chủ tịch EuroCham: “Chính sách thuế là vấn đề cần cải thiện”

Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn thêm về chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả, cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp một cách nhất quán. Chúng tôi cũng khuyến nghị có những thay đổi tích cực trong việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như Luật về Chuyển giao Công nghệ được hướng dẫn thi hành một cách rõ ràng và cụ thể. 

Đặc biệt, chính sách thuế là vấn đề cần cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế hơn nữa. Ví dụ như việc cải cách trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong ngành ô tô có thể giúp cho các đại lý phân phối duy trì kinh doanh hiệu quả. Việc rà soát các quy định và áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn đối với các sản phẩm rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng cần cân nhắc vì có thể làm gia tăng tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu bất hợp pháp, không được kiểm soát chất lượng, gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng. 

Tin cùng chuyên mục