Điểm tựa của người lao động

Bằng những việc làm thiết thực, nhiều cán bộ công đoàn trẻ đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người lao động tại các đơn vị. 
Anh Phan Hoàng Bảo (ngồi giữa) là cán bộ công đoàn được nhiều công nhân yêu quý
Anh Phan Hoàng Bảo (ngồi giữa) là cán bộ công đoàn được nhiều công nhân yêu quý
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa
Là người trẻ nhất trong 12 chủ tịch công đoàn được vinh dự nhận “Giải thưởng 28-7” năm nay, anh Nguyễn Văn Hùng (29 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng, huyện Bình Chánh) chính là tấm gương về sự hòa đồng, làm việc trách nhiệm. Không chỉ tạo ra nhiều hoạt động ngoài giờ giúp người lao động nâng cao đời sống tinh thần và có cơ hội giao lưu với nhau, anh Hùng còn chủ động thương lượng với ban giám đốc công ty nâng các khoản phụ cấp nhất là nâng chất lượng bữa ăn giữa ca và mức bảo hiểm an toàn cho công nhân. 
Điều đáng quý ở người chủ tịch công đoàn trẻ tuổi này là đã cùng ban giám đốc công ty thành lập quỹ từ thiện Đại Dũng để hỗ trợ công nhân gặp khó khăn, bệnh tật; chủ động phối hợp với Quỹ trợ vốn CEP chi nhánh Bình Chánh bảo lãnh cho người lao động vay vốn với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, Công ty TNHH Kollan (Khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức) được nhắc đến là một doanh nghiệp thường xuyên xảy ra tranh chấp, quan hệ lao động bất ổn, thì những năm gần đây, khi các chính sách dành cho người lao động được cải thiện, Kollan đã xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Công ấy không thể không nhắc đến vị nữ thủ lĩnh công đoàn công ty - chị Trần Thị Dung. Với mục tiêu hướng đến sự ổn định trong quan hệ lao động, chị Dung cùng Ban chấp hành Công đoàn Công ty Kollan lên kế hoạch hoạt động một cách chặt chẽ theo hướng có lợi cho người lao động cũng như tăng năng suất làm việc tại công ty. “Người lao động ai cũng mong có việc ổn định, thu nhập đủ sống, được nâng cao tay nghề và các phúc lợi phải được đảm bảo. Mình là cán bộ công đoàn thì phải có trách nhiệm quan tâm, chăm lo những quyền lợi chính đáng của họ”, chị Dung bộc bạch. 
Khi xây dựng kế hoạch, chị rất quan tâm đến việc bữa ăn giữa ca của công nhân phải đảm bảo chất lượng, điều kiện làm việc phải đảm bảo an toàn, lương, thưởng, phụ cấp cũng như các chế độ phúc lợi phải thỏa đáng. Nhờ đó, không chỉ đời sống người lao động được cải thiện mà thông qua các buổi đối thoại hàng tháng, hàng quý, các tranh chấp tại công ty cũng theo đó giảm dần. 
Nói lên tiếng nói của người lao động
Với anh Phan Hoàng Bảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Sơn Á Đông (quận 8), lấy lợi ích đoàn viên công đoàn, người lao động làm mục tiêu phấn đấu, hoạt động chính là cách thiết thực nhất để làm theo Bác của riêng anh. 
“Sau 5 năm giữ vai trò thủ lĩnh công đoàn, anh Bảo đã chủ động, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, các phúc lợi cho người lao động. Nhờ đó, nhiều chính sách được cải thiện, giúp đời sống chúng tôi được nâng cao”, chị Nguyễn Thanh Tuyền, công nhân Công ty Á Đông, nhận xét. Không chỉ quan tâm đòi quyền lợi về lương bổng, anh còn là người khởi xướng nhiều phong trào chăm lo cho công nhân vào các dịp lễ, tết thật chu đáo. 
Nhờ sự tích cực của anh, người lao động tại công ty được hưởng nhiều phúc lợi, tiền ăn giữa ca tăng lên 28.000 đồng/suất, hệ thống nước uống nóng lạnh được trang bị đến từng xưởng… “Mình là người đại diện của công nhân, khi thấy môi trường làm việc chưa tốt, gây ảnh hưởng sức khỏe người lao động thì phải kiến nghị ban giám đốc để có hướng hoàn thiện. Người làm công đoàn mà cứ ngại ngùng, lo sợ quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì không thể chăm lo tốt người lao động được”, anh Bảo chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục