Điểm tựa cho những người hồi gia

Đang làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Bình Trưng Tây (quận 2, TPHCM), năm 2006, dì Nguyễn Thị Ngọc Liên được điều chuyển sang làm chuyên trách tệ nạn xã hội, công việc thường xuyên tiếp xúc với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV.
Dì Liên xem kỹ hồ sơ của từng người để chuẩn bị cho buổi tối đến thăm hỏi, trò chuyện với họ
Dì Liên xem kỹ hồ sơ của từng người để chuẩn bị cho buổi tối đến thăm hỏi, trò chuyện với họ
Từ cảm giác hụt hẫng, ngại ngần ban đầu, dì Liên đã dần gắn bó và hết lòng với công việc luôn tới nay, khi dì đã 61 tuổi. 
Kiên trì đồng hành
Trời sập tối, dì Liên xách giỏ, đạp xe tới từng hộ đang có người vướng vào tệ nạn, nhiễm HIV, để trò chuyện, nhắc họ chịu khó uống thuốc ARV và chỉ cách để không lây nhiễm sang người khác. Suốt 11 năm làm công việc này, dì nhớ vanh vách tên, địa chỉ và hoàn cảnh của từng đối tượng thuộc diện dì theo dõi. Số điện thoại của dì thành “đường dây nóng”, có khi gia đình có con nhiễm HIV gọi nhờ dì khuyên và giúp đưa con đi uống thuốc, cũng có khi nạn nhân chủ động gọi cầu cứu. Dì Liên kể: “Tôi là dân địa phương, từ nhỏ lớn lên ở đây nên hiểu người dân lắm. Có nhà có đến 5 - 6 người bị nghiện; có nhà 2 người con vừa nghiện vừa nhiễm HIV. Nghe thì trách, nhưng nghĩ lại thương, nên tối tối tôi thường tới nhà họ trò chuyện, khuyên đi tới Trung tâm Y tế dự phòng quận uống thuốc. Nếu họ ngại bà con chòm xóm biết, thì tôi giới thiệu qua các quận khác, miễn là họ chịu đi uống thuốc”.
Có người bệnh phát nặng, người gầy guộc xanh xao, toàn thân đã phát ban, khi dì tới vận động đi uống thuốc ARV, họ còn chửi bới, dọa nạt và đuổi về. Thế nhưng bằng tình cảm và sự chân thành, dần dần dì cũng thuyết phục họ nghe theo, đi uống thuốc đều đặn. Như trường hợp của chị L.T. (34 tuổi), vừa nghiện hút vừa nhiễm HIV và đang nuôi con nhỏ. Những ngày đầu dì Liên tới vận động, L.T. đã mất tinh thần nên càng quậy phá. Ngày nào dì Liên cũng kiên trì tới nhà, khi thì cho vài ký gạo, khi cho đứa nhỏ mấy hộp sữa, khi chỉ vài câu hỏi thăm thân tình, T. bật khóc rồi đồng ý đi uống thuốc. Nhờ uống thuốc đều đặn mà T. mập lên, khỏe ra. Dì Liên lại đi liên hệ các công ty để xin việc cho T. kiếm tiền nuôi con. 
“Làm nghề này phải hiểu tâm lý người ta, lúc ấy người ta suy sụp lắm, muốn buông xuôi tất cả, thậm chí căm ghét cuộc đời đến mức có suy nghĩ tìm cách để nhiều người bị giống mình. Hiểu được họ, thì sẽ bỏ qua được tất cả những lời không hay mà họ nói ra, từ đó mới hoàn thành được công việc”.
(Dì Nguyễn Thị Ngọc Liên )
Hay như anh T.H. (35 tuổi), ăn chơi buông thả rồi dính HIV lúc nào không hay. Đến lúc phát hiện bệnh thì T.H. đã ở giai đoạn cuối. Bi quan, chán nản, nên thời gian đầu gặp dì Liên là T.H. buông lời thách thức. Dì vẫn kiên trì thăm hỏi, trò chuyện. Thấy được chia sẻ, có người hiểu mình, nên dần dần T.H. cũng nghe lời dì, tích cực điều trị. Dì Liên tâm sự: “Làm nghề này phải hiểu tâm lý người ta, lúc ấy người ta suy sụp lắm, muốn buông xuôi tất cả, thậm chí căm ghét cuộc đời đến mức có suy nghĩ tìm cách để nhiều người bị giống mình. Hiểu được họ, thì sẽ bỏ qua được tất cả những lời không hay mà họ nói ra, từ đó mới hoàn thành được công việc”.
Suốt 11 năm qua, giúp bao nhiêu người tái hòa nhập cộng đồng dì cũng không nhớ rõ, dì Liên chỉ biết rằng chính tình cảm chân thành ấy, những người lầm lỡ đã thuần đi nhiều, nhìn thấy dì Liên là một điều “má”, hai điều “má”, chứ không dám hỗn láo như trước. Tất nhiên cũng có người làm dì thất vọng, mất niềm tin, nhưng vẫn còn rất nhiều người do tin tưởng dì mà thay đổi. 
Cảm hóa
Dì Liên tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ, tôi được đi tập huấn về cách thuyết phục, cách tiếp cận những đối tượng tệ nạn xã hội. Thế nhưng, khi bắt tay vào làm thì phát sinh rất nhiều vấn đề. Mình không thể áp dụng cứng nhắc các phương pháp, mà mỗi người mình phải xử lý một kiểu, quan trọng nhất vẫn là dùng tình cảm chân thành để khuyên họ”. Với dì Liên, làm nghề này cũng là làm từ thiện vậy, thay bằng đi xa cứu trợ người này, tặng quà cho người kia thì mình làm ngay tại địa phương. Mỗi dịp lễ tết, dì lại vận động người thân, bạn bè hoặc các đơn vị quen biết tặng quà tết giúp các gia đình có đối tượng sa vào tệ nạn xã hội được có tết, và chăm lo cho con em họ đang tuổi đến trường. 
Nhiều người nhiễm HIV giai đoạn cuối, dì đôn đáo lo thủ tục giới thiệu lên Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước) để điều trị nội trú. Có dịp, dì lại lặn lội đem quà lên thăm. Hay khi họ mất, con cái không có người chăm sóc, dì lại ngược xuôi làm thủ tục gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội, rồi lễ tết, đầu năm học mới hay bất cứ khi nào có dịp, dì cũng gom quà, gom sách vở đem lên tặng các cháu.
Nói về người cán bộ lớn tuổi, mẫn cán của phường, bà Võ Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Tây, cho biết: “Dì Nguyễn Thị Ngọc Liên là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình trong công tác hỗ trợ người tái hòa nhập trở về địa phương. Mảng này các phường khác đã thay đổi nhiều cán bộ, nhưng riêng phường Bình Trưng Tây chỉ có một mình dì Liên đảm nhiệm 11 năm qua, dì rất có uy tín với mọi người. Chính tình cảm chân thành, hết lòng vì công việc nên dì cảm hóa được các đối tượng, hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý của địa phương”.

Tin cùng chuyên mục