Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

Hành trình vươn khơi, bám biển của ngư dân không đơn độc bởi có sự đồng hành cảnh sát biển và sự tiếp sức của chính quyền, nhân dân nhiều địa phương - trong đó có TPHCM. Mỗi ngư dân đang thực sự trở thành một cột mốc vững chắc trên biển và cùng lực lượng cảnh sát biển giữ chủ quyền biên giới, biển đảo, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên biển.

Đồng hành cùng ngư dân

Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 3, cho biết, địa bàn hoạt động của đơn vị trải dài trên 9 tỉnh, thành ven biển - từ Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (tỉnh Trà Vinh), bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Thời gian qua, tình hình tội phạm (buôn lậu, gian lận thương mại…) và xâm phạm chủ quyền, cản trở hoạt động kinh tế biển của nước ta ở khu vực này vẫn diễn biến phức tạp.

Đoàn cán bộ TPHCM thăm một tàu cảnh sát biển vừa trở về sau chuyến thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển
Nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được triển khai với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Theo đó, Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Tiền Giang, Bến Tre và TPHCM tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhiều nội dung pháp luật đến người dân. Đến nay, chương trình đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biển đảo, phòng chống dịch Covid-19 đến 95.000 lượt cán bộ, đoàn viên, thanh niên và hơn 1.000 tàu cá, với trên 17.000 ngư dân. Đồng thời, tổ chức huấn luyện bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho 120 tàu cá, với 1.800 ngư dân.

Từ đó, các ngư dân nâng cao tinh thần yêu nước cùng ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tham gia đấu tranh các hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn trên biển, buôn bán hàng cấm, đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài… Các ngư dân cũng tích cực đăng ký tàu thuyền, nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Vùng Cảnh sát biển 3 duy trì thường xuyên nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Sự có mặt thường xuyên của lực lượng cảnh sát biển trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Xây dựng hậu phương vững chắc

Nhiều năm qua, Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức thực hiện các chương trình “Tết hải đảo”, “Mùa xuân biển đảo” và “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ (TPHCM), huyện Phú Quý, Hàm Tân, Tuy Phong và thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận)… Các chương trình không chỉ hỗ trợ, nâng cao đời sống người dân mà còn tạo hậu phương vững chắc cho ngư dân bám biển.

Thiếu tướng Ngô Bình Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, thông tin, sau 5 năm thực hiện, từ các nguồn lực do Cảnh sát biển Việt Nam và các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, nhiều hoạt động an sinh xã hội được tổ chức với tổng số tiền 7,5 tỷ đồng. Đơn vị thăm, tặng 6.973 suất quà đến gia đình chính sách, ngư dân nghèo, tặng 350 xe đạp, 950 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… Đơn vị còn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.500 gia đình chính sách.

TPHCM là một trong những địa phương đi đầu ký kết phối hợp Vùng Cảnh sát biển 3 thực hiện chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”. Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo và thăm, tặng quà gia đình chính sách, ngư dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cần Giờ (TPHCM)…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai chia sẻ, để tạo hậu phương vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân đang ngày đêm bám biển, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM cùng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 ký kết phối hợp thực hiện chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”. Chương trình nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn TPHCM với lực lượng cảnh sát biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả phòng, tránh thiên tai; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân vùng biển, ven biển. Qua đó góp phần xây dựng đất nước thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền Tổ quốc.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, trong 5 năm qua, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 865 thông tin liên quan đến an ninh hàng hải. Lực lượng sử dụng hơn 50 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và cứu được 98 thuyền viên, đưa vào bờ an toàn 11 phương tiện. Các tàu làm nhiệm vụ trên biển đã kịp thời sơ cấp cứu cho 10 ngư dân bị tai nạn lao động khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển phía Nam.

Tin cùng chuyên mục