Điểm sáng về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016-2020), cũng là năm đáng nhớ đối với ngành y tế Việt Nam. Đánh giá những thành tựu to lớn của ngành y tế Việt Nam, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, với những thành quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, Việt Nam trở thành điểm sáng phòng chống Covid-19 thành công. 
Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) được xây dựng khang trang hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) được xây dựng khang trang hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đạt nhiều thành tựu về khoa học - công nghệ

Tinh thần “Chống dịch như chống giặc” là tư tưởng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ xuyên suốt thời gian phòng chống dịch. “Chưa bao giờ Việt Nam phải đối mặt với đại dịch truyền nhiễm như Covid-19, có sự tham gia của tất cả người dân như thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, hy sinh quên mình trên tuyến đầu phòng chống dịch…”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để có được những thành quả to lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là đối với Covid-19, ngành y tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về khoa học - công nghệ. Dấu ấn khó quên là ngày 7-2-2020, sự kiện nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phân lập thành công virus này. Thành công trên tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2, từ đó tiếp tục nghiên cứu phát triển các sinh phẩm xét nghiệm, nghiên cứu độc lực virus và điều chế vaccine dự phòng. Và chỉ chưa đầy 1 năm, ngày 17-12-2020 trở thành thời khắc lịch sử của ngành y tế Việt Nam, khi liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên (Nano Covax) do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, điều chế đã được tiêm cho người tình nguyện tại Học viện Quân y.

Cùng với những nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Việt Nam cũng đạt thành tựu rất lớn trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Không chỉ cứu sống được rất nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, mà các cơ sở điều trị và thầy thuốc của Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, cứu sống được nhiều bệnh nhân hiểm nghèo. Nổi bật nhất là Bệnh viện Nhi đồng TPHCM thực hiện ca đại phẫu tách 2 bé gái (Song Nhi - Trúc Nhi) dính liền phần bụng chậu. Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lập kỷ lục thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng trong 13 ngày. 

Ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh

Dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội cũng là động lực để ngành y tế đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh. Đặc biệt, hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị tại tuyến dưới, giúp vơi bớt khó khăn, vất vả cho người bệnh. Đặc biệt, 100% số bệnh viện triển khai hệ thống thông tin bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử và sử dụng thay bệnh án giấy. Nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim. 

Năm 2020 cũng là năm cải cách mạnh mẽ và có nhiều điểm nhấn của ngành y tế, trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số y tế. Bộ Y tế là một trong 2 bộ đưa 100% số dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia. Bộ khai trương Cổng công khai y tế với dữ liệu: 62.438 dược phẩm, 28.000 trang thiết bị - vật tư y tế, 93.253 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ. Hoàn thành mạng y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã); 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội thành lập để chuẩn bị cho việc khám chữa bệnh không dùng giấy.

Đánh giá về những thành tựu đạt được của ngành y tế Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 là một năm dài đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng chống đại dịch Covid-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Thủ tướng biểu dương và gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến lãnh đạo Bộ Y tế, đến đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cách ly, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh trong suốt một năm qua với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, không ngừng nỗ lực, cống hiến cao cả, tận tâm hết mình vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thế giới đánh giá chúng ta là nước “thần tốc” và công nhận Việt Nam phòng chống đại dịch Covid-19 thành công. Chúng ta đã ngăn chặn được khủng hoảng về y tế rất sớm; từ đó ngăn cản khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng xã hội, trước hết là đảm bảo công việc cho người lao động.

“Năm nay, chúng ta được thế giới công nhận khi thương hiệu Việt Nam đã tăng lên 30%, trong đó, bao gồm phát triển toàn diện đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng đánh giá cao công tác xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian qua, đã tạo được nền tảng rất quan trọng và vững chắc cho ngành y tế tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Tin cùng chuyên mục