Điểm sáng phim Việt

Trong bối cảnh thị trường điện ảnh trong nước đang đóng băng vì dịch Covid-19, một số nhà làm phim Việt vẫn đón nhận tin vui khi có cơ hội chiếu phim tại thị trường nước ngoài, tham gia các liên hoan phim (LHP), giải thưởng điện ảnh.    

Tin vui 

Sau giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Oanh Kiều và 2 giải phụ của ban giám khảo: Special Mention Actor cho Quang Sự và Special Mention - Feature Film tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á 2021 (AFAIFF), phim Người lắng nghe: Lời thì thầm (tựa tiếng Anh Listeners: The Whispering) tiếp tục đón nhận tin vui từ LHP quốc tế New York.

Vượt qua 12 phim đến từ Canada, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Mỹ… phim nhận giải Phim điện ảnh xuất sắc (Gold Award) ở hạng mục dành cho các phim có kinh phí dưới 250.000 USD. “Gold Award là giải thưởng cao nhất ở LHP này và bộ phim của tôi đã chinh phục được”, đạo diễn Khoa Nguyễn chia sẻ trên trang cá nhân. 

Người lắng nghe: Lời thì thầm cũng đang tranh giải tại Gold Movie Awards - một LHP tại Luân Đôn (Anh). Phim vừa nhận 3 giải thưởng trong tháng 5, 6 ở các hạng mục: Phim nước ngoài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc. Theo thể lệ LHP, phim thắng giải tháng (gọi là: semi-finalist) sẽ nhận lời mời tham dự sự kiện thảm đỏ vào tháng 8 và có cơ hội tranh giải năm.  

Điểm sáng phim Việt ảnh 1 "Người lắng nghe: Lời thì thầm" nhận được nhiều giải thưởng khi chinh chiến quốc tế

Phim Thang máy cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam đang tham dự hạng mục “World Fantastic Red” tại BIFAN 2021 - LHP lớn nhất châu Á về thể loại giả tưởng và đặc thù được tổ chức thường niên tại Hàn Quốc. Tại LHP Lorcano 2021, 3 nhà làm phim trẻ Việt Nam đang tranh giải các hạng mục khác nhau.

Đó là Don’t Cry Butterflies của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh - nhà sản xuất Si En Tan (Việt Nam - Singapore đồng sản xuất) và Who Created Human Beings của đạo diễn Lê Bình Giang - nhà sản xuất Lê Quỳnh Anh (Việt Nam - Singapore đồng sản xuất) tham gia hạng mục Open Doors Hub. Trong khi đó, nhà làm phim nữ Nguyễn Thị Xuân Trang tham gia hạng mục Open Doors Lab.  

Đạo diễn Trần Thanh Huy cũng báo tin Ròm được phát hành tại Nhật Bản từ ngày 9-7. Trên trang cá nhân, anh cho biết: “Ròm được nhà phê bình chấm 5 sao, cùng bài viết dài 6 trang trên tạp chí điện ảnh lâu đời nhất Nhật Bản - Kinema Junpo. Đây là niềm vinh dự của tôi”. Ngay sau đó, thông tin phim còn được giới thiệu trên 3 tờ báo lớn - Asahi, Mainichi và Nikkei. Riêng tờ Nikkei chấm bộ phim 5 sao, trong khi tờ Asahi đánh giá cao phong cách làm phim của Thanh Huy. 

Cũng tại Nhật Bản, Thưa mẹ con đi đang gặt hái được những thành công nhất định. Phim được nền tảng truyền hình theo yêu cầu hàng đầu tại Nhật Bản - Rakuten TV vinh danh trong Top 5 phim nước ngoài bán chạy nhất nửa đầu năm 2021. Tại Nhật Bản, phim đã có mặt trên nhiều nền tảng VOD (xem phim theo yêu cầu) như: Rakuten TV, Fuji TV On Demand (FOD), VideoMarket, Paravi, HikariTV, Crank-In! Video, U-Next, và GYAO! 

Cơ hội mở

Chia sẻ trên tờ Deadline sau khi cán mốc 1 triệu USD ở Bắc Mỹ, Thiên A Phạm - Giám đốc Công ty 3388 Films, đơn vị phát hành quốc tế của Bố già, cho biết: “Kỳ tích đáng kinh ngạc này thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng người Việt. Chúng tôi đang thực sự mở ra tiềm năng chưa được khai thác của thị trường nội địa Mỹ cho phim Việt Nam. Chúng tôi có nhiều động lực để tiếp tục tạo ra thị trường mới tại Mỹ để các bộ phim tiếp cận được nhiều khán giả hơn”.  

Còn theo đạo diễn Trần Thanh Huy: “Tôi rất mừng vì có nhiều người Nhật Bản đến xem phim, trong đó có các đạo diễn. Việc các chuyên gia viết nhiều bài về Ròm lên các trang báo lớn của Nhật cho thấy bộ phim đã được đón nhận ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam”. Tuy nhiên, khi nói đến cơ hội của phim Việt ở thị trường nước ngoài, anh cho rằng: “Một phim thì chưa đủ sức. Phải thật nhiều phim Việt cùng lúc phát hành ở các nơi trên thế giới, lúc đó cơ hội người nước ngoài đón nhận sẽ dễ dàng hơn”.  

Trên thực tế, không phải đến thời điểm hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh, lịch phát hành bị đảo lộn, các phim Việt mới chọn cách chu du các LHP quốc tế. Đạo diễn Khoa Nguyễn cho biết: “Việc đưa Người lắng nghe: Lời thì thầm dự tuyển các LHP quốc tế đã sớm có trong kế hoạch của tôi và nhà sản xuất. Đưa bộ phim tham gia các LHP cũng nhằm tận dụng “thời gian chết” trong lúc chờ đợi thị trường phim trong nước hoạt động lại bình thường”. Anh cũng tự tin, đề tài bộ phim có tính phổ quát nên có thể nhận được sự đồng cảm của người xem trên phạm vi toàn cầu, không chỉ giới hạn cho khán giả trong nước.  

Cũng theo đạo diễn Khoa Nguyễn, hiện nay, việc đưa một bộ phim Việt đến với các LHP quốc tế không còn là điều quá khó khăn. Anh nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất chính là chất lượng chuyên môn của bộ phim để mình có được những thành tích nổi bật. Với Người lắng nghe: Lời thì thầm, dù là phim điện ảnh đầu tay nhưng tôi có niềm tin về chất lượng chuyên môn vì mình và ê kíp đã làm việc cật lực, nghiêm túc suốt 
hơn 2 năm qua”.

Tin cùng chuyên mục