Điểm dừng chân của những gánh hàng rong

Đi đôi với việc giải tỏa nạn buôn bán chiếm dụng lòng lề đường, chỉnh trang đô thị, chính quyền quận 1 (TPHCM) đã thí điểm thành lập điểm bán tập trung dành cho những người bán hàng rong tại các phố ẩm thực.
Chuyển gánh hàng rong vào phố ẩm thực
Mới mở chừng 4 tháng, điểm bán hàng ăn tập trung trên đường Nguyễn Văn Chiêm (phường Bến Nghé) đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ngoài các nhân viên văn phòng là thực khách thường xuyên, cũng có nhiều khách vãng lai tìm đến đây để ăn sáng, ăn trưa. Vào giờ cao điểm, 20 quầy hàng ăn tấp nập kẻ bán người mua. Một số người bán hàng rong được đưa vào đây bán, nhưng thay cho những gánh hàng rong quen thuộc là dãy quầy bán hàng ăn tươm tất. Từ người đứng bếp đến nhân viên bưng bê phục vụ đều mang trang phục, tạp dề chỉnh tề. Nếp bán hàng ăn trên đường phố văn minh, lịch sự và vệ sinh đang thành hình.  
Gần đó, tại Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1 cũng lập một điểm bán hàng ăn tập trung. Hơn 8 giờ, thực khách vẫn còn đông. Chị Nguyễn Thị Liễu kể: “Từ khi được sắp xếp vào bán hàng ăn tập trung, cuộc sống gia đình tôi như sang trang mới. Ngày trước, bán hàng rong khổ trăm bề. Nhiều lúc vừa bán vừa phải ngó dáo dác canh chừng nhân viên trật tự đô thị xuất hiện. Bây giờ đã có chỗ ngồi bán hàng ăn khang trang, tiện nghi. Mặc dù thu nhập chưa cao, sau giờ bán hàng mấy chị em còn phải đi làm thêm, nhưng lại thấy vui, phấn khởi vì đã có nơi bán ổn định”.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng tâm sự: “Nay bán hàng tập trung, nhiều người bán chưa quen, phải vừa bán vừa tập cách phục vụ khách sao cho chu đáo. Vui, nhưng chưa thật an lòng vì thu nhập vẫn còn thất thường. Những hôm ở tòa án bên kia đường có phiên xử lớn, khách tập trung đông, mỗi phiên cũng có thể lời được chừng 200.000 đồng, còn bình thường chỉ được chừng 100.000 đồng". 
Điểm dừng chân của những gánh hàng rong ảnh 1 Điểm bán hàng ăn tập trung ở Công viên Bách Tùng Diệp thu hút nhiều thực khách 
Các phố ẩm thực ra đời không chỉ là điểm dừng chân của những gánh hàng rong, mà còn là sự cải tiến cần thiết đối với ngành bán hàng ăn trên đường phố. Anh Nguyễn Văn Vũ (thực khách thường xuyên ở phố ẩm thực Công viên Bách Tùng Diệp) cho biết: “Tôi thực sự an tâm khi ăn uống tại các điểm bán hàng ăn tập trung này. Ở đây chỗ ngồi khang trang sạch sẽ, việc chế biến thực phẩm được kiểm soát hợp vệ sinh, mà giá cả vẫn mềm như giá ở những gánh hàng rong, ví dụ bánh mì thịt, cơm tấm sườn bì chả chỉ từ 15.000 đến 25.000 đồng”.      
Vẫn còn nhiều việc phải làm
UBND phường Bến Nghé cho biết, 2 điểm bán hàng ăn tập trung trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp đã bố trí chỗ bán ổn định cho 70 người. Đối tượng được lựa chọn sắp xếp vào bán đợt đầu là những người bán hàng rong thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ người bán, chính quyền quận 1 chọn những địa điểm thuận tiện để lập phố ẩm thực; trang bị quầy bán hàng, bàn ghế và cả trang phục, tạp dề cho nhân viên bán hàng; mở liên tục những buổi tập huấn nâng cao kiến thức, tác phong phục vụ cho người bán; phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm; những người đứng bếp, nhân viên phục vụ đều được khám sức khỏe định kỳ miễn phí…
Mặc dù, các điểm bán hàng ăn tập trung hoạt động chưa được lâu, số lượng người bán chưa nhiều nhưng đã tạo được thương hiệu phố ẩm thực, đồng thời ý thức của người bán đã có nhiều thay đổi tích cực về việc giữ an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ ngăn nắp, vệ sinh nơi bán. Tuy nhiên, để những người bán hàng rong có thể ổn định cuộc sống khi chuyển vào bán trong phố ẩm thực, vẫn còn nhiều việc phải điều chỉnh. Có những quầy thu nhập đến 500.000 đồng mỗi ca, song nhìn chung thu nhập của số đông vẫn còn thất thường, chưa cao, do chỉ được bố trí thời gian bán ít ỏi, người bán buổi sáng thì không được bán buổi trưa, còn buổi tối lại bỏ trống quầy. Nếu cho kéo dài thêm thời gian bán mới có thể tăng thêm thu nhập, giúp người bán  an tâm với công việc, không phải đi làm thêm kiếm sống. 
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết: “Phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp là những mô hình thí điểm, nên vừa làm vừa điều chỉnh để hoàn thiện dần. Phường đã nhiều lần gặp người bán để nắm bắt nguyện vọng. Điều ghi nhận là những người bán hàng rong hài lòng với chỗ bán mới. Số lượng người bán hàng rong xin đăng ký vào bán trong phố ẩm thực ngày càng nhiều. Về ý kiến của người bán mong muốn kéo dài thêm giờ bán, phường sẽ có văn bản đề nghị quận và các phòng ban chức năng liên quan xem xét, giải quyết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người bán ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục