Điểm đầu vào ĐH Hồng Đức “gây sốc”

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vừa thông báo điểm trúng tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2021. Điểm đầu vào cao nhất thuộc về ngành đào tạo trình độ đại học sư phạm (ĐHSP) Ngữ văn chất lượng cao (CLC) với 30,5 điểm, ĐHSP Lịch sử CLC 29,75 điểm. Số điểm đầu vào “vượt khung” này đã gây kinh ngạc cho dư luận.

Trao đổi với PV Báo SGGP trong ngày 21-9, PGS-TS Đậu Bá Thìn, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Hồng Đức, cho biết, điểm chuẩn đầu vào của trường dựa vào tổ hợp 3 môn xét tuyển, điểm đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên của thí sinh. Theo đó, trong số 15 em được tuyển vào ĐHSP Ngữ văn CLC, em thấp nhất có số điểm 3 môn là 27,75 điểm, cao nhất là 28,5 điểm. Sau khi cộng điểm ưu tiên, cả 15 em đều có số điểm “vượt khung”. 

Tổng nguyện vọng đăng ký vào khối ngành đào tạo ĐH Hồng Đức năm nay tăng từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020, riêng các ngành đào tạo ĐHSP CLC cũng tăng rất cao. Cụ thể, nguyện vọng 1 đăng ký vào ĐHSP Ngữ văn CLC là 347 (năm 2020 gần 100 nguyện vọng), ĐHSP Lịch sử CLC là 194 (năm 2020 khoảng 70 nguyện vọng). So với năm 2020, điểm đầu vào nhiều ngành tại ĐH Hồng Đức tăng 3 - 4 điểm. 

PGS-TS Đậu Bá Thìn cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến đầu vào năm nay cao hơn năm trước, trong đó có thể kể đến tác động từ Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; nhiều địa phương tại Thanh Hóa đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực giáo viên. Riêng ngành học CLC, khi vào học các em sẽ được miễn học phí, ở ký túc xá miễn phí, được cấp học bổng với mức 990.000 đồng/tháng đối với sinh viên loại xuất sắc và 915.000 đồng/tháng đối với sinh viên loại giỏi.

Lý giải ý kiến có hay không việc ĐH Hồng Đức xin chỉ tiêu ít để xảy ra tình trạng điểm đầu vào “vượt khung”, PGS-TS Đậu Bá Thìn khẳng định, không phải trường xin chỉ tiêu ít, mà do tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng”. Năm 2018, nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT CLC giai đoạn 2022-2030, tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng” ĐH Hồng Đức. Sau đó, ĐH Hồng Đức được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo 4 ngành CLC trình độ ĐH, gồm: Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử. Căn cứ kế hoạch tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường của tỉnh Thanh Hóa nên năm nay, mỗi chuyên ngành đào tạo 15 sinh viên. Từ năm 2022, sau khi ra trường, sinh viên được đào tạo theo đề án sẽ được tuyển dụng với các điều kiện: tốt nghiệp loại khá trở lên, có sức khỏe tốt, đạo đức tốt… 

Theo tìm hiểu, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã mở “đầu ra”, có nhiều ưu đãi, nhưng thời gian đầu vẫn không thu hút được thí sinh vào ĐHSP CLC. Cụ thể, năm 2018 chỉ có 1 thí sinh vào ngành Toán, 11 thí sinh vào ngành Ngữ văn và 11 thí sinh vào ngành Lịch sử. Sang năm 2019, có 7 thí sinh vào ngành Toán, 16 thí sinh vào ngành Ngữ văn và 23 thí sinh vào ngành Lịch sử. Riêng ngành Vật lý, 2 năm 2018-2019 không tuyển được thí sinh. Lý giải nguyên nhân, PGS-TS Đậu Bá Thìn cho rằng do năm 2018, đề thi THPT quốc gia khó, điểm trung bình chung thấp, số thí sinh đạt 24 điểm (điểm tối thiểu đầu vào theo đề án của tỉnh Thanh Hóa) ít. Bên cạnh đó, số thí sinh đáp ứng điều kiện trong 3 năm học THPT đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực khá trở lên cũng không nhiều. Năm 2019, ĐH Hồng Đức đề xuất mở thêm các ngành đào tạo ĐHSP CLC về Hóa, Sinh và Địa lý nhưng không được Bộ GD-ĐT đồng ý.

Tin cùng chuyên mục