“Điểm danh” các cơ quan nợ văn bản hướng dẫn ​

Việc nợ đọng văn bản của giai đoạn trước còn kéo dài; vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định đã ban hành trước khi luật, nghị quyết có hiệu lực mà không ban hành văn bản mới; vẫn phát hiện một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, bao gồm cả về thẩm quyền ban hành và nội dung văn bản; một số nội dung trong quá trình triển khai thi hành phát sinh bất cập, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau...
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp của UBTVQH
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp của UBTVQH

Theo báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tại phiên họp của UBTVQH cuối buổi sáng 23-11, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành cơ bản quan tâm hơn đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn; hủy bỏ, thay thế các văn bản đã hết hiệu lực thi hành…

Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan Quốc hội, trong số các văn bản thuộc phạm vi giám sát, vẫn còn nhiều văn bản có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm có hiệu lực của luật, còn một số nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; bên cạnh đó, một số luật còn nợ nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết đã được các Ủy ban đề cập trong Báo cáo kết quả giám sát của các kỳ giám sát trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Theo đó, vẫn một số luật có nội dung ban hành văn bản quy định chi tiết chậm hàng năm trời. Trong  số các cơ quan còn “nợ” nhiều nội dung được giao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ KH-ĐT, Bộ NN-PTNT, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao…

Về cơ bản, nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất. Tuy nhiên, qua giám sát, các Ủy ban cũng phát hiện nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Ủy ban Tư pháp đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thay thế hoặc bãi bỏ 12 thông tư liên tịch. Ủy ban Pháp luật đã phát hiện một số văn bản có nội dung có dấu hiệu chưa bảo đảm phù hợp với Luật Cư trú; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Tổng thư ký Bùi Văn Cường dẫn chứng cụ thể.

Theo Tổng thư ký, việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết đã tạo ra những “khoảng trống” pháp luật, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống.

So với kỳ giám sát trước đây thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2021 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc nợ đọng văn bản của giai đoạn trước còn kéo dài; vẫn còn tình trạng áp dụng các quy định đã ban hành trước khi luật, nghị quyết có hiệu lực mà không ban hành văn bản mới; vẫn phát hiện một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, bao gồm cả về thẩm quyền ban hành và nội dung văn bản; một số nội dung trong quá trình triển khai thi hành phát sinh bất cập, tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về quy định giữa các luật có liên quan hoặc chưa phù hợp với quy định mới tại luật có liên quan được ban hành sau khi luật có hiệu lực thi hành…

Trên cơ sở những kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có liên quan.

Trong đó, đáng lưu ý là đề nghị UBTVQH chỉ đạo việc xây dựng văn bản hướng dẫn về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong công tác này ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; dành thời gian xem xét, thảo luận về công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tại phiên họp tháng 9 hằng năm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra gắn với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghiên cứu cơ chế giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan đầu mối trong việc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tự kiểm tra văn bản do mình ban hành để xử lý kịp thời những nội dung có sai sót, bất cập, không phù hợp.

Tin cùng chuyên mục