Điểm chuẩn sẽ biến động

Kết quả phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố cho thấy nguồn tuyển của các trường sẽ dồi dào. 
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2016
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2016
Tuy nhiên, với đặc thù của tuyển sinh đại học - cao đẳng sư phạm (ĐH-CĐSP) năm nay thì điểm sàn sẽ thấp nhất là bằng với năm 2016 (15 điểm) cho các tổ hợp xét tuyển (mỗi tổ hợp có 3 môn thi). Song song đó, điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) của nhiều ngành ở nhiều trường sẽ có biến động khi thí sinh điều chỉnh và thay đổi nguyện vọng.  
Điểm sàn ít nhất là 15 điểm
Tiến sĩ Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, cả nước có hơn 400.000 chỉ tiêu/640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐSP. Như vậy, nếu tính một cách cơ học thì có thể thấy khoảng 62,5% thí sinh sẽ trúng truyển ĐH, nguồn tuyển so với chỉ tiêu là hơn 1,6 lần, tỷ lệ thí sinh thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét ĐH, CĐSP lên đến 73,91%.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có 865.866 thí sinh dự thi. Số thí sinh dự thi trên 99% (có khoảng 4.300 thí sinh bỏ thi), 72 thí sinh bị đình chỉ, số thí sinh bị điểm liệt là 5.396. Như vậy, số thí sinh bị loại khỏi cuộc chơi là 9.768. Số thí sinh còn lại là 856.098. Trừ thêm 26% thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp, khoảng 22.500 thí sinh thì lượng thí sinh còn lại để xét tốt nghiệp sẽ là 833.598. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, với kết quả điểm thi năm nay thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp khoảng 95% trở lên. Vấn đề còn lại là xác định điểm sàn sao cho hợp lý để các trường tuyển sinh dễ dàng. 
Nhìn từ kết quả phổ điểm của kỳ thi 2 trong 1: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐSP thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) năm 2017 mà Bộ GD-ĐT sẽ xác định có thể thấp nhất là ở mức 15 điểm. Nếu cao hơn mức điểm này, chắc chắn ở một số khối thi tỷ lệ dôi dư để xét tuyển sẽ không nhiều. Ngược lại, nếu thấp hơn mức 15 điểm thì hóa ra điều kiện đủ để thí sinh tham gia xét tuyển ĐH-CĐSP lại thấp hơn cả điểm để xét tốt nghiệp cho thí sinh.
Trong năm 2016, điểm thi thấp, số lượng thí sinh dự thi nhiều hơn và sau khi xác định điểm sàn 15 điểm, Bộ GD-ĐT cho biết tỷ lệ dôi dư để xét tuyển ĐH, CĐ là khoảng 1,8 lần nhưng kết quả là không trường nào tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay cả những trường tốp đầu như y, dược, các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, dù điểm thi cao, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐSP nhiều hơn năm 2016 nhưng với quy định không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì điểm sàn năm 2017 sẽ khó có thể cao hơn mức 15 điểm.  
Điểm trúng tuyển sẽ biến động
Nhìn lại kết quả phổ điểm mà Bộ GD-ĐT thống kê có thể thấy: điểm trung bình khối A, B năm 2017 không khác biệt so với năm 2016, trong khi đó, khối D, A1 tăng khoảng 3 điểm, khối C tăng 1,5 điểm. 
Cụ thể, phổ điểm khối A năm nay khoảng 18 điểm nhưng phổ điểm năm nay về phía điểm cao đều hơn năm ngoái rất nhiều, do đó thuận tiện cho các trường xây dựng điểm chuẩn vào các ngành khác nhau. Khối B có điểm trung bình khoảng 17 điểm. Với khối C, đỉnh của phổ điểm năm nay là 16, trong khi năm ngoái là 14,5. Khối D đỉnh của phổ điểm năm nay là 16, trong khi năm ngoái là 13. Khối A1, điểm trung bình năm 2017 tập trung ở ngưỡng 17, trong khi năm 2016 là 15,25 điểm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, điểm thi năm nay nhích hơn một chút so với năm ngoái, điều này sẽ tác động chung đến toàn hệ thống các trường ĐH-CĐSP.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, với phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố, nhìn chung là điểm năm nay tăng so với năm ngoái. Do đó, nếu tính trên phổ điểm này thì có thể điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) ở một số ngành và một số trường sẽ tăng ít nhất từ 0,5 - 1 điểm. Tuy nhiên, nếu tính đúng và tính đủ hơn, thêm mức điểm ưu tiên đối tượng (khoảng 3% - 5%) và mức điểm ưu tiên khu vực, thì phổ điểm sẽ đẩy lên cao hơn. Như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định, nếu tính luôn cả điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng, chắc chắn nguồn tuyển sẽ còn tăng hơn và như vậy điểm chuẩn năm nay ở nhiều trường sẽ tăng cao. 
Thực tế kinh nghiệm tuyển sinh của nhiều trường cho thấy, kết quả điểm chuẩn mỗi năm cao hay thấp phụ thuộc vào kết quả điểm thi, nếu điểm thi cao đều thì sẽ đẩy điểm chuẩn cao lên. Ngoài ra, điểm chuẩn ở nhiều ngành “hot” như nhóm ngành y (y đa khoa, răng hàm mặt, dược) ở các trường y năm nay sẽ đẩy lên cao. Cùng với đó, các nhóm ngành công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ hóa, kỹ thuật y sinh, công nghệ thực phẩm… điểm chuẩn cũng sẽ nâng lên. Bên cạnh đó, với nhiều trường tốp đầu như y, dược, ngoại thương, kinh tế, vốn thu hút nhiều thí sinh thì điểm chuẩn cũng sẽ tăng. Đặc biệt, với tốp 10 trường dẫn đầu về số nguyện vọng đăng ký của cả nước, chắc chắn điểm chuẩn cũng sẽ có nhiều thay đổi. 
Tuy nhiên, trong tuyển sinh cũng có điều nghịch lý, đó là có những ngành, những trường ít thí sinh đăng ký nhưng điểm chuẩn cũng rất cao. Những ngành “hot” như y, dược, công nghệ dù ít thí sinh đăng ký hơn nhưng toàn là những thí sinh có điểm thi cao thì điểm chuẩn cũng sẽ cao. 
Một điểm đáng nói nữa là tất cả sẽ còn biến động nhiều hơn khi trong khoảng thời gian từ 15 đến 23-7 thí sinh sẽ được quyền điều chỉnh và tăng thêm số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường.

Tin cùng chuyên mục