Dịch vụ Mobile Money: Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Còn nhiều ý kiến băn khoăn việc Mobile Money có “hợp thời” khi dịch vụ này chỉ là giải pháp tài chính số trên điện thoại cơ bản không cần kết nối internet và dịch vụ này có thật sự hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa?
Đồ họa: HỮU VI
Đồ họa: HỮU VI

Sự ra đời của Mobile Money tại Việt Nam nằm trong bối cảnh mạng 3G và 4G phủ sóng rộng khắp các khu dân cư, người dân thuận tiện dùng các ứng dụng có liên quan đến data trên chiếc điện thoại di động… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn việc Mobile Money có “hợp thời” khi dịch vụ này chỉ là giải pháp tài chính số trên điện thoại cơ bản không cần kết nối internet và dịch vụ này có thật sự hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa?

Ba nhà mạng lớn đua nhau

Ngày 18-11, MobiFone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc, thời gian thí điểm đến 18-11-2023. Theo MobiFone, trong giai đoạn đầu, sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch toàn quốc, sau đó sẽ tiếp tục mở rộng hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.

Ngay sau đó, VNPT - VinaPhone cũng công bố dịch vụ Mobile Money. Hiện mạng lưới dịch vụ thanh toán của VNPT Mobile Money đã sẵn sàng phục vụ người dùng trên các nền tảng online, offline. Người dùng có thể thao tác đăng ký và sử dụng VNPT Mobile Money trên cả điện thoại phổ thông, thông qua lệnh trên bàn phím thoại, tin nhắn SMS hoặc thông qua ứng dụng VNPT Pay (trên điện thoại thông minh).

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) không chỉ ra mắt Mobile Money mà còn ra mắt Hệ sinh thái Tài chính số Viettel Money với nhiều tính năng nhất tính tới thời điểm hiện nay. Có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho biết, bất kỳ đâu có sóng di động của Viettel, ngay cả khi không có kết nối internet, khách hàng đều có thể sử dụng Viettel Money. Mạng viễn thông của Viettel hiện đã phủ sóng đến 99% diện tích Việt Nam, cung cấp dịch vụ tại 11.000 phường/xã trong cả nước, trong đó có các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, gồm cả vùng mặt biển cách đất liền tới 100km.

Hướng đến người dân vùng sâu, vùng xa

 Dịch vụ Mobile Money cho phép người dùng tài khoản viễn thông thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, như: thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp - rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc của các nhà mạng mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet. Muốn vậy, người dùng Mobile Money phải đăng ký với nhà mạng và phải là thuê bao chính chủ, SIM sử dụng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề…

Điều này không khó với nhà mạng hay người dùng khi dịch vụ Mobile Money được triển khai. Nhưng quan trọng hơn, Mobile Money là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản viễn thông di động trên điện thoại cơ bản, không cần kết nối internet.

Hiện nay, các nhà mạng Viettel, MobiFone và VNPT VinaPhone đã phủ rộng dịch vụ 3G và 4G hầu khắp vùng dân cư ở Việt Nam, dịch vụ 5G cũng đang từng bước được triển khai. Với đa số người dân Việt Nam, ai có điều kiện và nhu cầu đều có thể sử dụng điện thoại thông minh, đi kèm là các ứng dụng ngân hàng điện tử và ví điện tử… đã phổ biến rộng với rất nhiều tiện ích, dễ sử dụng.

Đại diện nhà mạng MobiFone cũng thừa nhận, để triển khai Mobile Money đến vùng sâu vùng xa rất cần thời gian và hiện nay chỉ mới thử nghiệm theo từng giai đoạn, đang ở giai đoạn công bố dịch vụ nên chưa thể “phổ cập” đến nơi cần đến. Trong khi đó, một cán bộ lãnh đạo VinaPhone khẳng định, hiện đơn vị đã tập huấn dịch vụ đến các nhân viên bưu cục, song để người dân vùng sâu, vùng xa dùng dịch vụ Mobile Money không phải là chuyện đơn giản, vì bà con còn lúng túng khi nạp tiền vào điện thoại, chứ nói gì đến việc chuyển tiền, nhận tiền, thanh toán dịch vụ…

Riêng việc để bà con hiểu tiền trong tài khoản di động khác với tiền của Mobile Money đã là một vấn đề. “Mới triển khai thử nghiệm vài hôm nên hiện chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về Mobile Money”, đại diện VinaPhone cho biết thêm.

Một CEO làm trong lĩnh vực tài chính số cũng cho rằng, Mobile Money “đích thực” thì nên hướng về vùng sâu vùng xa, những nơi mà dịch vụ tài chính số còn hạn chế, chứ ở đô thị, vùng đông dân cư, không cần thiết. Cũng hợp lý vì Mobile Money đã phổ biến ở nhiều nước nghèo vào nhiều năm trước, sau đó lan rộng qua nhiều quốc gia khác, và chỉ “phát huy tác dụng” khi mạng di động chưa phổ cập dịch vụ 3G và 4G, người dùng chỉ có chiếc điện thoại cơ bản có thể chuyển và nhận tiền.

Điều này cũng dự báo Mobile Money sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các dịch vụ ngân hàng điện tử, ví điện tử… “Mobile Money chỉ thực sự có ý nghĩa khi người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… dùng nó. Việc này đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ phải nỗ lực triển khai dịch vụ đến những nơi cần thật sự, như vậy mới thực hiện đúng Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money với mục tiêu góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam”, một chuyên gia tài chính nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục