Đích nhắm tài nguyên

Theo báo cáo tóm tắt tài nguyên khoáng sản năm 2019 do Bộ Nội vụ và Sở Địa chất Mỹ biên soạn, tác động của 35 loại khoáng sản được Chính phủ Mỹ đánh giá là “nguy cấp” đối với nền kinh tế nước này trong năm 2018 đạt giá trị ước tính lên tới 3.020 tỷ USD (tương đương khoảng 15% GDP của Mỹ). 
Nhật Bản đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm để không phụ thuộc Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Nhật Bản đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm để không phụ thuộc Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Riêng với đất hiếm, tổng trữ lượng toàn cầu ước tính khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sở hữu 37% (trên 44 triệu tấn) và Brazil là 18% (khoảng 22 triệu tấn). Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu, một tờ nhật báo của Trung Quốc đã từng phát đi thông điệp đe dọa rằng “sản lượng đất hiếm sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát huyết mạch trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ”. Trước việc Trung Quốc có thể ngừng cung cấp khoáng sản, nhiều chuyên gia dự báo sẽ xảy ra một cuộc “tấn công” mạnh mẽ hơn từ các thành phần nhà nước lẫn tư nhân Mỹ nhằm tiếp cận và kiểm soát các nguồn dự trữ của Mỹ Latinh và Caribbean.

Dù nắm giữ trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 toàn cầu, Brazil mới chỉ đóng góp khoảng 1% vào sản lượng khai thác toàn cầu. Năm 2011, với kế hoạch khai mỏ quốc gia tới năm 2030, Chính phủ Brazil đã trao cho đất hiếm vị thế khoáng sản chiến lược do nhu cầu sử dụng tăng cao trong các ngành công nghệ mới, bên cạnh các khoáng sản quan trọng cho việc duy trì hoạt động nông nghiệp toàn quốc như kali hay lưu huỳnh, hoặc cho cán cân thương mại Brazil như sắt - nguồn thu ngoại tệ lớn của quốc gia Nam Mỹ này. Mạng tin celag.org của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược địa chính trị Mỹ Latinh cho rằng, với bước xoay trục chính trị của Brazil trong chính phủ hiện tại (trở thành một quốc gia thân Mỹ), những lo ngại về một cuộc “tấn công” của Mỹ vào nguồn dự trữ đất hiếm của Brazil là hoàn toàn có cơ sở.

Ngoài đất hiếm, nhiều báo cáo và phân tích quốc tế cũng chỉ ra sản lượng thép và nhôm ở mức thấp của Mỹ cũng là nguyên nhân khiến Washington áp thuế đối với 2 mặt hàng kim loại này. Từ tháng 2-2018, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một số báo cáo về hoạt động nhập khẩu các sản phẩm thép và nhôm đã cán và chưa cán. Mục tiêu chính của các thuế suất mới hiện tại là nâng sản lượng thép của Mỹ từ 73% lên 80% mức tiêu thụ và nhôm từ 48% lên 80%, hướng tới tính khả thi của nền công nghiệp quốc gia Mỹ trong dài hạn. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, mục tiêu này cũng là một vấn đề thuộc an ninh quốc gia và mang tính sống còn của các sản phẩm.  

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế được coi là then chốt: khoáng sản hiếm, thép, nhôm và mới nhất là các biện pháp trừng phạt Huawei. Đằng sau cuộc chiến chống Huawei là quyền kiểm soát công nghệ bạc tỷ: thiết lập mạng lưới thông tin 5G. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung của một số khoáng sản nhất định sẽ làm giảm bớt lợi thế của Washington trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Do đó, Mỹ Latinh, nhất là Brazil, sẽ có vai trò cốt lõi trong việc thay thế nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc. Mexico, Canada và Brazil cũng có vị thế then chốt đối với nền công nghiệp luyện kim của Mỹ vốn cần thép và nhôm của các quốc gia này. Mới đây, Mỹ đã xóa bỏ thuế suất đối với thép và nhôm từ Mexico và Canada, qua đó định biến khu vực Bắc Mỹ thành điểm tựa cơ bản trong thời điểm vị thế của Mỹ đang bị một số cường quốc khác thách thức.

Tin cùng chuyên mục