Dịch Covid-19 bước vào “giai đoạn mới và nguy hiểm”

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 19-6 cảnh báo đại dịch Covid-19 hiện ở “giai đoạn mới và nguy hiểm” với số ca mắc mới tăng mạnh trong bối cảnh người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.
Brazil là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca nhiễm Covid-19 vượt qua con số 1 triệu người. Ảnh: Getty Images
Brazil là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca nhiễm Covid-19 vượt qua con số 1 triệu người. Ảnh: Getty Images

Những “kỷ lục” bất ngờ

Người đứng đầu WHO nêu rõ: “Đại dịch đang lan nhanh. Hơn 150.000 ca mắc Covid-19 mới đã được báo cáo lên WHO trong ngày 18-6 và đây là con số cao nhất trong vòng 1 ngày được ghi nhận tới nay”. Ông Tedros nhấn mạnh: “Thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm. Nhiều người đang mệt mỏi vì phải ở nhà. Các quốc gia đang nóng lòng mở cửa trở lại… Tuy nhiên, virus vẫn đang lây lan nhanh chóng. Nó vẫn nguy hiểm và phần lớn người dân vẫn dễ bị lây nhiễm”.

Theo trang worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 20-6, toàn thế giới đã ghi nhận 8.804.245 ca mắc Covid-19, trong đó có 463.510 ca tử vong. Mỹ vẫn là tâm dịch với 2.297.190 ca nhiễm và 121.407 ca tử vong. Ba tiểu bang của Mỹ là Arizona, Texas và Florida đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong ngày 18-6, phá vỡ các mức kỷ lục trước đó.

Xếp sau Mỹ là Brazil. Sau gần 4 tháng bùng phát dịch, số ca nhiễm mới tại Brazil vẫn tiếp tục tăng và đến nay tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này đã là 1.038.568 ca với 49.090 ca tử vong cho dù theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn đỉnh dịch. 

Tại châu Âu, trong khi Pháp ghi nhận ngày 19-6 là ngày có số ca tử vong ở mức thấp nhất (14 ca) từ ngày 10-3 thì tại Đức số ca mới bắt đầu tăng trở lại (thêm 770 ca) sau khi một ổ dịch bùng phát tại nhà máy giết mổ gia súc của Tập đoàn Toenies ở Bắc Rhine - Westphalia. Cùng ngày, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) kêu gọi thận trọng sau khi nhận thấy “những dấu hiệu cảnh báo” hồi tuần trước về nguy cơ lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2, đặc biệt liên quan đợt bùng phát các ca mắc Covid-19 tại thủ đô Rome.     

Giả thiết mới về virus SARS-CoV-2

Ngày 20-6, Trung Quốc tiến hành một chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm tra thực phẩm nhập khẩu sau khi trang web của Trung tâm Dữ liệu vi sinh quốc gia Trung Quốc ngày 19-6 công bố dữ liệu về bộ gien của virus SARS-CoV-2 mới sau đợt bùng phát mới nhất ở thủ đô Bắc Kinh. Theo đó, các chuyên gia cho rằng đợt dịch Covid-19 bùng phát tại một chợ đầu mối ở Bắc Kinh có những điểm tương đồng với chủng ở châu Âu. Họ cũng nêu khả năng chủng virus SARS-CoV-2 này ẩn nấp trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu hoặc từ chính chợ đầu mối vì virus được phát hiện trên thớt sử dụng để xử lý cá hồi nhập khẩu tại chợ. 

Cùng ngày, trang Beijing News của Trung Quốc cũng đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDCP) nước này đã gửi dữ liệu về trình tự sắp xếp của bộ gien virus cho WHO. Thủ đô Bắc Kinh phải nâng mức ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 từ cấp độ 3 lên cấp độ 2 chỉ vài ngày sau khi giới chức thành phố này tuyên bố không còn lây nhiễm trong nước bởi gần 2 tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới bắt đầu nới lỏng để mở cửa lại nền kinh tế thì việc các chính phủ có thể khống chế sự lây lan của dịch hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức người dân. Do đó, khi vẫn chưa có vaccine và thuốc phòng chống Covid-19, người dân vẫn cần hết sức cảnh giác, tránh tập trung đông người, đặc biệt tuyệt đối tuân theo các hướng dẫn về giãn cách xã hội. Cái giá của tâm lý chủ quan sẽ không chỉ là những thiệt hại kinh tế mà còn là tính mạng của con người.

Tin cùng chuyên mục