Kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2019):

Đi, trở về và cống hiến

Có lẽ đó cũng chính là mục tiêu mà những chuyến đi về nguồn do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức thời gian qua hướng đến. Tham gia những chuyến đi ấy, không chỉ là hoạt động tri ân các thế hệ cha anh, giáo dục truyền thống, động viên những cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, mà với từng thành viên tham gia đoàn, đó còn là một hành trình chiêm nghiệm, trở về và cống hiến.

Hiểu hơn về những mất mát

Là thành viên trẻ trong hành trình về nguồn viếng liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam, tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của vùng đất tưởng chừng mãi là “vùng đất chết”.

Tân Biên hôm nay trù phú và yên bình là nhờ hàng ngàn chiến sĩ - những thanh niên của thế hệ trước đã ngã xuống, hy sinh máu, thịt của mình. Tôi nhớ, chuyến về nguồn hôm ấy, có cả cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong - những người bước ra từ bom lửa ở mặt trận Tây Nam, có người còn lành lặn nhưng cũng có người đã để lại một phần xương thịt của mình ở nơi đây.

Nhìn bạt ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm giữa Nghĩa trang Tân Biên, chúng tôi cảm nhận ở những cựu binh sự xúc động, để rồi thấm thía hơn một nền hòa bình được đổi bằng máu của đồng bào, chiến sĩ mình.

Đi, trở về và cống hiến ảnh 1 Các thành viên tham gia hành trình về nguồn dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh
Cũng là một trong những thành viên trẻ tham gia chuyến về nguồn “Làng Sen quê Bác - Sông Mã anh hùng” tại tỉnh Nghệ An do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, anh Võ Minh Phong (phóng viên Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP) bộc bạch rằng, với anh, hành trình lần này là một kỷ niệm với nhiều ấn tượng sâu sắc khi được đến thăm các di tích lịch sử, các “địa chỉ đỏ”; được lắng nghe, tìm hiểu về những câu chuyện sống động đầy hào hùng cũng như được thắp nén nhang thơm bày tỏ cảm xúc và lòng biết ơn sâu sắc trước vong linh liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

“Đứng dưới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tôi càng chiêm nghiệm rõ ràng hơn những cảm xúc của bản thân, của giá trị nhân bản và lẽ sống trên đời. Giúp tôi ý thức được rõ hơn trách nhiệm của mình là cần có nhiều việc làm, hành động thiết thực hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”, phóng viên Minh Phong trải lòng.

Gửi gắm thế hệ tương lai

Hiểu được những cảm xúc đan xen của những cựu binh và chúng tôi- những thanh niên trẻ của thế hệ sau, đồng chí Thân Thị Thư, khi đó là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, trưởng đoàn về nguồn viếng liệt sĩ hy sinh ở biên giới Tây Nam, nhấn mạnh: Chỉ có đến những nơi từng là chiến trường ác liệt nhất của chiến tranh mới thấm thía được những hy sinh, mất mát của người lính cụ Hồ, mới thấy được hòa bình, độc lập của dân tộc có được ngày hôm nay phải đánh đổi như thế nào.

Từ những bài học thiết thực ấy, những năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức nhiều chuyến về nguồn cho các cá nhân tiêu biểu, những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội như món quà nhằm động viên tinh thần, cổ động họ tiếp tục những phần việc ý nghĩa.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức 8 trong số 10 hành trình về nguồn với chủ đề “Sáng mãi niềm tin” về thăm quê Bác được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, từ năm 2011 đến nay, TPHCM có hơn 26.860 gương tập thể và cá nhân được biểu dương cấp cơ sở, 1.014 tập thể và 1.571 cá nhân được biểu dương cấp thành phố. Từ các gương điển hình đó, thành phố chọn ra 800 thành viên tham gia hành trình “Sáng mãi niềm tin” năm nay.

Trước đó, còn có hành trình “Tháng 3 biên giới”, viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nơi mà tất cả thành viên đã có những phút giây lặng người khi nghe kể về những người lính tuổi đời còn rất trẻ đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Đến đây, nhiều thành viên trẻ tuổi của hành trình đã có những chia sẻ về nhiệm vụ của mình, về trách nhiệm của một công dân mà thế hệ đi trước đã gửi gắm, đó là phải cống hiến nhiều hơn nữa…

Tham gia chuyến về nguồn “Sáng mãi niềm tin”, ca sĩ Phạm Thế Vỹ, Phó trưởng Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM, tâm sự: “Qua chuyến đi, được chứng kiến, gặp gỡ những điển hình, tôi càng vững niềm tin rằng vẫn còn rất nhiều những con người tử tế và tận tâm với đất nước, đang ngày đêm âm thầm hy sinh để Tổ quốc được bình yên và phát triển. Tôi dặn mình, muốn thành công, phải cống hiến hết mình”.

Ngày 31-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở TT-TT TPHCM tổ chức giao ban quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Bộ TT-TT, đã giao TPHCM nghiên cứu, ban hành cụ thể quy định dựa trên Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ nhuận bút đối với lực lượng tuyên truyền trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Tạo đề nghị Sở TT-TT tham mưu UBND TPHCM nâng cấp hệ thống thiết bị để công tác tuyên truyền đến gần hơn với người dân…. Đồng chí Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đề nghị Ban Tuyên giáo các quận huyện ủy tiếp tục quán triệt nghiên cứu, triển khai Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư; tuyên truyền về kết quả đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; tuyên truyền các chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước như Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh, rạch vì TP sạch và giảm ngập nước”. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đề án Xây dựng đô thị thông minh, Cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội theo chủ đề của năm 2019. Dịp này, Sở TT-TT ra mắt fanpage: Facebook.com/TrangThongtincosoTPHCM nhằm cung cấp đầy đủ hơn các nội dung tuyên truyền trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục