Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải tiếp tục tu bổ, phục hồi và tôn tạo giai đoạn 2

Sáng 6-5, UBND TP Đà Nẵng cho biết, vừa phê duyệt Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 84,2 tỷ đồng.

Thành Điện Hải
Thành Điện Hải

Theo đó, dự án này được tiến hành trong phạm vi khuôn viên Di tích Thành Điện Hải có tổng diện tích 26.519 m².

Tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 84,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 40,5 tỷ đồng; chi phí xây dựng hệ thống trưng bày, trình diễn và mô phỏng di tích hơn 16,8 tỷ đồng và các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.

Giai đoạn 2 sẽ hạ giải, di dời các thành phần, công trình không phù hợp, như Bảo tàng Đà Nẵng và khối nhà 1 tầng phía tả, trên nguyên tắc giữ gìn tối đa các thành phần nội thất trưng bày, các trang thiết bị, các vật liệu còn tốt để tái sử dụng sau này.

Di dời, cất giữ, bảo quản các khẩu súng thần công để tái sử dụng trưng bày; di dời các thành phần trưng bày ngoài trời không liên quan tới lịch sử Thành Điện Hải như máy bay trực thăng, cây cảnh, chậu cảnh, giữ lại các cây xanh có kích thước lớn; phá dỡ hệ thống sân, đường hiện trạng không phù hợp…

Tiếp đó, tiến hành thám sát khảo cổ học khoảng 50% diện tích trong thành nội làm cơ sở khoa học trong việc phục dựng, tái tạo; phục dựng cổng thành phía Đông; cầu phía cổng Tây; Kỳ đài ở phía Nam; sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công (hiện có 14 khẩu súng thần công); phục dựng Nhà để súng; làm sạch, bảo quản toàn bộ bề mặt trong và ngoài tường thành; tôn tạo tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương; xây dựng miếu thờ ở góc Tây Nam của thành.

Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng Nhà trưng bày ngầm dưới lòng đất để không làm cản trở tầm nhìn bao quát chung toàn bộ tổng thể khu di tích. Xây dựng nhà nghỉ chân làm điểm dừng chân, nghỉ ngơi cho du khách khi đến tham quan di tích…

Dự án được tiến hành nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại.

Qua đó, tạo nên một không gian lịch sử, không gian trưng bày, kết nối với Bảo tàng Đà Nẵng (mới) và các địa điểm di tích khác nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thu hút khách tham quan, du lịch trên cơ sở phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của TP Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục