Di sản văn hóa là vốn quý cho sự phát triển bền vững

Chính quyền và nhà quản lý có một vai trò rất lớn trong việc định hướng và tìm ra sự thống nhất về quan điểm, coi di sản là nguồn vốn xã hội cho sự phát triển bền vững và là giá trị tinh thần cho cộng đồng gắn kết lớn mạnh.

Là thành viên tham gia đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM đối với một số sở ngành và quận huyện về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, có những đánh giá khác nhau về hoạt động của các bảo tàng và việc giữ gìn, phát huy cảnh quan kiến trúc mang tính đặc thù của đô thị Sài Gòn - TPHCM. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu về nội dung này.

TS Nguyễn Thị Hậu
PHÓNG VIÊN: Bà có nhận định gì về hoạt động của hệ thống bảo tàng tại TPHCM thời gian qua?

TS NGUYỄN THỊ HẬU: Nhiều bảo tàng trong hệ thống đã có những cố gắng trong việc thu hút du khách bằng việc đổi mới nội dung và phương thức trưng bày hiện đại. Một số bảo tàng mở ra các chuyên đề mới, cách thức làm sao để hấp dẫn công chúng đến với bảo tàng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn mà bảo tàng nào cũng mắc phải. Đó là cảnh quan của bảo tàng chưa được phù hợp; nơi để xe chật hẹp; thiếu cơ chế, chính sách cho phép các bảo tàng mở dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa làm tăng nguồn thu nhập để có thể duy trì hoạt động, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước...

Bà quan tâm vấn đề gì nhất trong mảng di tích tại TPHCM?

Điều tôi băn khoăn nhiều nhất là cảnh quan đô thị trong một không gian rộng lớn của TPHCM đang có những thay đổi đáng quan ngại. Quá trình đô thị hóa, phát triển của TPHCM những năm qua đã có những tác động lớn đến hạ tầng cơ sở, tạo ra sự thay đổi căn bản qua những công trình cho phù hợp với công năng sử dụng tại một số vị trí trong thành phố. Quá trình này bắt đầu từ khu trung tâm thành phố cách nay hơn 10 năm, làm xáo trộn, thay đổi nhiều về cảnh quan, kiến trúc đô thị. Cảnh quan trên các tuyến đường như: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, khu vực chợ Bến Thành… đã có những thay đổi rất lớn.

Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về phát triển không gian kiến trúc đô thị, nhà khoa học và người dân đã có những đề xuất sau khi xây dựng xong tuyến metro dưới lòng đất của khu vực trung tâm thành phố, cần tái lập cảnh quan cũ. Điều đó không có nghĩa là giữ nguyên như cũ, mà cần có những cảnh quan hiện đại của các tòa nhà cao tầng xen lẫn với những cảnh quan đã ghi dấu ấn đặc trưng của khu vực đó phải được tái lập. Trong đó có Thương xá Tax được người dân và các nhà khoa học đề nghị phục dựng nguyên bản mặt tiền của Thương xá Tax đúng với năm 1924 được xây dựng. Hiện giờ thì công trình tòa nhà ở khu vực này chưa được xây dựng, nên không thể biết việc phục dựng có thực hiện không. Việc phục dựng này cũng chỉ có thể là sự đền bù di sản một cách tối thiểu. Nếu không phục dựng, sẽ không còn dấu vết gì của cảnh quan cũ.

Chúng tôi từng nghe bà nhiều lần nhắc đến việc bảo tồn chợ Bến Thành tại không ít cuộc hội thảo, tọa đàm?

Mong muốn của các nhà khoa học và cộng đồng là 2 bùng binh Nguyễn Huệ và chợ Bến Thành sớm được tái lập. Ở bùng binh Nguyễn Huệ phía trước trụ sở UBND TPHCM hiện giờ là bông sen và đài phun nước. Đài phun nước hay hồ nước như trước kia hoàn toàn giống nhau, vì sao lại phá đi để xây dựng cái mới, phá hẳn dấu ấn rất đặc trưng, đặc điểm của Sài Gòn - TPHCM. Việc phục dựng lại cảnh quan đúng với trước kia tại đây, kể cả những hàng liễu, tôi nghĩ là làm được.

Hay bùng binh chợ Bến Thành, nó là dấu ấn vô cùng quen thuộc. Chợ Bến Thành tại Sài Gòn - TPHCM là địa điểm cảnh quan bao đời nay rồi. Hơn nữa, dưới góc độ đặc trưng của TPHCM, bùng binh Nguyễn Huệ và chợ Bến Thành vừa là nơi dựng tượng đài, tạo cảnh quan, nhưng còn là nơi góp phần điều tiết giao thông. Hai đảo giao thông này làm cho vòng xoay giao thông chuyển động không ngừng. Sự chuyển động trước chợ Bến Thành và trụ sở UBND TPHCM chính là đặc trưng liên tục chuyển động của Sài Gòn - TPHCM.

Dấu ấn của đô thị Sài Gòn - TPHCM còn cần được giữ gìn, phát huy là gì, thưa bà?

Đó là dấu ấn của một đô thị sông nước. Hệ thống kênh rạch ở TPHCM không chỉ là trên bến, dưới thuyền gắn kết đường giao thông thủy với đường bộ, mà còn là hệ thống thương mại, du lịch mang dấu ấn truyền thống của một đô thị phát triển. Rõ ràng, lợi ích đường thủy rất lớn nhưng đã không được bảo tồn, khai thác đúng mức. Sông Sài Gòn phải được biến thành biểu tượng của dòng sông hòa bình sau 50 năm chiến tranh đi qua. Đi trên sông Sài Gòn, chúng ta sẽ thấy thành phố mình rộng lớn mênh mông, không chật chội, gò bó như đường bộ. Sông nước không chỉ là di sản tự nhiên mà còn là di sản nhân văn, luôn có yếu tố con người tác động vào làm nó tốt lên hay mất đi.

Theo bà, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị của TPHCM, cần có những giải pháp gì?

Chính quyền và nhà quản lý có một vai trò rất lớn trong việc định hướng và tìm ra sự thống nhất về quan điểm, coi di sản là nguồn vốn xã hội cho sự phát triển bền vững và là giá trị tinh thần cho cộng đồng gắn kết lớn mạnh. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vai trò chủ động trong việc đầu tư phát triển “kinh tế di sản”, tránh phá hoại, làm tổn thương đến di sản văn hóa và chủ động tìm ra con đường thuận tiện, hiệu quả nhất cho phát triển dựa trên giá trị của di sản văn hóa. Các nhà nghiên cứu thì giữ vai trò là cầu nối giữa tri thức về giá trị di sản, những phương thức, bài học kinh nghiệm từ quốc tế để lan tỏa đến cộng đồng và góp tiếng nói chuyên môn đến nhà quản lý, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp nhất cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị.

Còn cộng đồng cư dân, những người yêu di sản văn hóa giữ vai trò chủ thể của di sản, của việc bảo vệ “tài sản” vật chất và tinh thần của mình thông qua chức năng giám sát, phản biện những chủ trương, việc làm cụ thể của chính quyền.

Tin cùng chuyên mục