Di sản Hoàng thành Thăng Long: Những hướng tiếp cận mới

Ngày 8-9, hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” do UBND TP Hà Nội phối hợp Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, đã khai mạc tại Hà Nội.
Nhiều hiện vật quý phát lộ trong quá trình khai quật tại Hoàng thành Thăng Long
Nhiều hiện vật quý phát lộ trong quá trình khai quật tại Hoàng thành Thăng Long

Cuộc khai quật lớn nhất lịch sử

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh một lần nữa khẳng định quy mô và tầm quan trọng nổi bật của Hoàng thành Thăng Long, di sản được UNESCO vinh danh: “Cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. 

Những khai quật đầu tiên được tiến hành vào tháng 12-2002, tại di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội. Kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời; là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật; đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Trong 10 năm (từ 2011 đến nay) riêng khu vực chính điện Kính Thiên đã khai quật khoảng 8.372m2 và đã xuất lộ nhiều di tích, di vật của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, đem lại nhiều tư liệu mới mẻ. “Các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử - văn hóa Thăng Long, lịch sử - văn hóa Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm lịch sử”, PGS-TS Tống Trung Tín, một trong những người theo sát việc khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long từ những ngày đầu tiên, chỉ rõ. 

Từ các cuộc khảo cổ, công chúng được tận mắt thấy dấu tích thật sự của kinh đô Thăng Long. Do binh lửa và thời gian, dấu tích kinh đô xưa hầu như không còn gì trên mặt đất. Ngày nay, du khách chỉ biết đến thành bậc chạm rồng đá thời Lê sơ của điện Kính Thiên hay Đoan Môn, Cột Cờ, Bắc Môn... Nhờ khai quật khảo cổ học, thông qua những hố khai quật trưng bày tại chỗ, người xem được thấy những tầng văn hóa nhiều thời kỳ chồng xếp lên nhau, di tích của các thời kỳ đan xen, tiếp nối...  Các chuyên gia nhận định, đây là một kho tàng nghệ thuật khổng lồ, phản ánh lịch sử, văn hóa Việt Nam. Qua đó, người xem có thể hình dung được phần nào diện mạo của hoàng cung Thăng Long xưa.

Đánh giá, nhận diện lại di sản

TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cần phải đánh giá, nhận diện lại di sản, bởi lẽ khó có thể bảo tồn nguyên trạng các giá trị vật thể tại nơi này. Ông cũng đặt vấn đề, nên chăng chấp nhận bảo tồn theo phương pháp tối ưu nghĩa là chấp nhận “nhượng bộ”, hy sinh một vài giá trị để bảo tồn giá trị cốt lõi, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và có khả năng phát huy tốt hơn. Cùng với đó cũng nên cân đối đầu tư các giá trị phi vật thể để “thổi hồn” di tích… 

PGS-TS Đặng Văn Bài, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất nhiều hướng tiếp cận mới trong bảo tồn di sản văn hóa thế giới này. Ông cho rằng, trong điều kiện đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là dưới áp lực của quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ của Hà Nội, khó có thể tham vọng giữ nguyên vẹn hoặc vinh danh tất cả các yếu tố biểu đạt giá trị nổi bật của kinh thành Thăng Long xưa. Theo ông, phải chấp nhận lồng ghép vào đó các dấu ấn vật chất được phát hiện qua nhiên cứu khảo cổ học, khu đô thị cổ Hà Nội, một đoạn La Thành, một số điểm di tích, các hạng mục kiến trúc đơn lẻ với tính cách là những “cột mốc văn hóa”, những điểm gợi nhớ để cùng với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tạo nên diện mạo kiến trúc mới cho Khu di sản văn hóa thế giới ở Hà Nội. 

Ông Đặng Văn Bài cũng cho rằng, vai trò của Hà Nội và khu di sản này cần được tiếp cận như một không gian văn hóa - tâm linh có giá trị nổi bật toàn cầu. Với cách tiếp cận mới cùng kết quả nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ, trong tương lai gần có khả năng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần hai cho Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Đánh giá cao giá trị của di sản này, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhận định, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất.

Tin cùng chuyên mục