Đi nghe nhạc hàn lâm “bình dân”


Cơn mưa rả rích, kéo dài của thành phố tối cuối tuần vẫn không làm nản lòng người đi xem hòa nhạc, khi khán phòng Nhạc viện TPHCM vẫn không ngớt khách. Đó là đêm diễn của một nhóm nhạc hàn lâm của những người trẻ mang tên Saigon Choir. 
Buổi biểu diễn định kỳ của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn
Buổi biểu diễn định kỳ của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn

Những giai điệu trầm bổng, tiếng vỗ tay vang lên, cả không gian, nghệ sĩ, khán giả chìm đắm trong giai điệu, tiếng hát.

Sau những giai điệu du dương của dàn nhạc giao hưởng, người chỉ huy và các ca sĩ biểu diễn bước ra chào khán giả để khép lại buổi hòa nhạc, những tràng pháo tay không ngớt. Khán phòng hơn 300 người phần đông là những người trẻ, nhưng vẫn ở lại đến phút cuối để thưởng thức hết những giai điệu của dòng nhạc hàn lâm kén người nghe. “Thỉnh thoảng tôi thích đi nghe hòa nhạc như thế này với bạn bè hoặc gia đình. Có chỗ nghe nhưng vẫn chưa hiểu nhiều lắm, nhưng tôi thích giai điệu của dòng nhạc cổ điển này”, chị Trúc Như (nhân viên văn phòng ở quận 1) chia sẻ. 

Với nhiều khán giả, nhạc cổ điển sang trọng, tinh tế nên không gian và khán giả cũng có một sự mực thước nhất định. Khán giả Nguyễn Hoàng (ngụ quận Bình Tân) cho biết: “Tôi nghe nhạc cổ điển từ rất lâu rồi và thường chỉ đi xem hòa nhạc cổ điển thôi, vì không gian, khán giả đều rất lịch sự, vừa phải, không quá xô bồ hay chen lấn như những chương trình ca nhạc khác”. Với giá vé chỉ từ 400.000 đồng trở lại, nhưng mỗi chương trình hòa nhạc được đầu tư bài bản, nghiêm túc về nội dung, chỉn chu về không gian đủ để đưa dòng nhạc bác học đến gần hơn với khán giả.

Nhạc cổ điển, nhạc hàn lâm hay gọi chung là dòng nhạc bác học, quả thật không có nhiều khán giả như những dòng nhạc thị trường khác, đặc biệt là với khán giả trẻ lại càng khó tiếp cận hơn. Bởi những tác phẩm, giai điệu của dòng nhạc này thiên nhiều về tính học thuật chuyên sâu, người nghe đòi hỏi phải có một khả năng cảm thụ âm nhạc nhất định mới có thể cảm và hiểu được. Nhiều người còn cho rằng, nhạc cổ điển tinh tế và sang trọng đến xa cách, nhưng thực tế không hẳn vậy. Không quá rầm rộ như nhạc thị trường hay đông đảo khán giả cuồng nhiệt, nhạc cổ điển như một dòng chảy âm ỉ riêng. Có thể khó nghe, khó cảm nhận nhưng khán giả tìm đến với một niềm yêu thích thật sự. Ban đầu chỉ đến nghe vì được bạn tặng vé nên “đi cho biết”, Nguyên Hà (sinh viên năm 2 Trường Đại học Ngân hàng) dần bị dòng nhạc này chinh phục. Nguyên Hà chia sẻ câu chuyện của mình: “Lần đầu tò mò đi xem thử, nghe không cảm nhận được gì nhiều. Rồi lên mạng tìm hiểu thêm thông tin, tập nghe, dần dần thích luôn. Bây giờ có buổi hòa nhạc với giá vé vừa phải, mình cũng tranh thủ tới xem, nghe nhiều lần cũng có thể cảm được nghệ sĩ nào biểu diễn hay hơn”.

Và để đem lại những đêm nhạc hàn lâm ấy, có những nhóm nhạc toàn những người trẻ, có đam mê bất tận với loại hình âm nhạc này.

Với lợi thế là những người được học bài bản về âm nhạc, nhóm Saigon Choir (thuộc Nhạc viện TPHCM) gồm nhiều thành viên đến từ những khoa khác nhau. Gắn bó với nhóm ngay từ những buổi đầu, giảng viên thanh nhạc Huỳnh Quang Thái (Nhạc viện TPHCM) dặn dò những học trò của mình: “Nhạc cổ điển vốn đã kén người nghe nên khi mình thể hiện quan trọng nhất là cách truyền tải, làm sao để có thể đến gần hơn với khán giả, để khán giả có thể nghe và cảm nhận được, chứ không phải mình chơi nhạc để những người trong nghề với nhau thưởng thức - điều đó thì quá dễ rồi”. Gặp không ít những khó khăn, khi mọi thu chi cho các hoạt động tập luyện của nhóm đều do các thành viên ngồi lại và cân nhắc từng chút một, thì sự hỗ trợ địa điểm tập luyện từ nhạc viện góp phần giảm bớt một phần gánh nặng. Để có được một buổi hòa nhạc “coi cho được”, các thành viên trong nhóm còn kiêm luôn nhiệm vụ hậu đài. Thu Hà, giọng nữ cao trong nhóm nói: “Mỗi lần có chương trình là vui lắm nhưng cũng cực lắm, vì ai cũng phải lo hết mọi thứ, có hôm ngồi tập với nhau mà không thể nào tập trung vì mệt mỏi nhưng rồi cũng qua hết, vì được làm công việc mình thích, theo đuổi dòng nhạc mình đam mê nên không ai nản lòng”.

Vì đặc trưng là nhạc thính phòng nên không gian biểu diễn phải là khán phòng chuyên biệt và hầu như rất ít sử dụng micro khi hát, hoặc phải là những micro chuyên dùng trong dàn nhạc giao hưởng, thính phòng. Khi biểu diễn, nhóm luôn cân nhắc để mang đến tiết mục chất lượng nhất cho khán giả. Có buổi hòa nhạc, bán vé xong, tính toán hết mọi thu chi vừa đủ thì mừng, còn lỗ thì cả nhóm cùng chịu...

Hoạt động hơn 10 năm, “Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn” đã hình thành nên một cộng đồng dành cho những ai yêu nhạc cổ điển. Là nhân viên giám định chất lượng một công ty ở quận 7, công việc hoàn toàn không liên quan đến âm nhạc nhưng với vì sự yêu thích dành cho âm nhạc cổ điển, anh Nguyễn Võ Lâm gắn bó và hiện là thành viên trong ban tổ chức của nhóm.

Anh Nguyễn Võ Lâm chia sẻ, mọi thành viên đến với nhóm cũng cùng chung tình yêu dành cho nhạc cổ điển, các hoạt động biểu diễn của nhóm điều không bán vé, mọi người làm việc trên tinh thần tự nguyện vì cái mình thích. Tự gây quỹ bằng sự đóng góp tùy ý của khán giả đến xem nhạc, hay thù lao biểu diễn bên ngoài khi có khách yêu cầu, đều được nhóm đưa vào quỹ chung dể duy trì hoạt động. Bên cạnh việc biểu diễn định kỳ, nhóm còn dịch phụ đề các vở nhạc kịch cổ điển nổi tiếng trên thế giới để trình chiếu ở salon văn hóa “Cà phê thứ bảy” (38 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3). Đây cũng là một trong những dự án để nhóm mang âm nhạc cổ điển đến gần với khán giả.

Những nghệ sĩ biểu diễn của nhóm chủ yếu là sinh viên từ Nhạc viện TPHCM và các trường nghệ thuật trong thành phố; còn thành viên ban tổ chức đến từ đủ mọi ngành, nghề, với điểm chung duy nhất là tình yêu dành cho âm nhạc cổ điển. Một nhóm những người yêu nhạc cổ điển, với sự kiên trì, gắn bó đã hình thành nên một cộng đồng yêu nhạc cổ điển nho nhỏ. Hiện tại, với hơn 4.000 email cá nhân của khán giả đăng ký qua Fanpage, để được nhận thông tin các đêm diễn của nhóm. Qua hơn 10 năm hình thành, có thể nói đây là một sự thành công, một niềm vui cho những người trẻ yêu mến và sống trọn đam mê với dòng nhạc hàn lâm kén khán giả này.

Việc có những người trẻ đam mê và nhiệt tình với âm nhạc hàn lâm, cổ điển có lẽ là một tín hiệu vui giữa thị trường âm nhạc còn nhiều xô bồ như hiện tại. Một cộng đồng những người có gu về âm nhạc sẽ lan tỏa một tinh thần thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa, có lẽ đó sẽ là sự sàng lọc tốt nhất cho những tác phẩm kém giá trị nhưng vẫn nhan nhản trong thị trường âm nhạc hiện tại.

Tin cùng chuyên mục