Đi cùng văn chương đương đại

Trong những năm gần đây, đội ngũ làm công tác phê bình ở miền Trung được chú ý bởi hàng loạt cái tên thuộc thế hệ 7X và 8X, như: Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Thuấn… Hoàng Thụy Anh là một trong số đó.

Sau các ấn phẩm về phê bình: Bản xô-nát thi ca; Tiếng vọng đa thanh; Phê bình văn học & ý thức cái khác… mới đây, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh vừa ra mắt Sức mạnh của vết thương (Sbooks và NXB Văn học) với 24 bài viết, ít nhiều phản ánh diện mạo của văn chương đương đại. 

Một điều dễ nhận thấy ở tập sách này là sự quan tâm và theo dõi của Hoàng Thụy Anh đối với văn chương đương đại khá rộng, qua nhiều thể loại khác nhau, từ thơ, trường ca đến tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhờ đó, chị có thể “điểm mặt đặt tên” một cách trực diện và sát sao sáng tác của các tác giả khác nhau. Một Nguyễn Quang Thiều “không đoạn tuyệt với nỗi đau mà dùng nỗi đau làm bàn đạp, học cách ngước lên, để hiểu mình và tái sinh” thông qua tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa. Một Hữu Phương, nhà văn sung sức của miền Trung, với hàng loạt tác phẩm như: Ba người trên sân ga, Chân trời mùa hạ, Súng nổ bến Thiên đường, Quay đầu là bờ. Đọc những tác phẩm này, Hoàng Thụy Anh nhận định: “Có thể thấy, Hữu Phương là nhà văn đủ sức, đủ vốn, đủ tầm, đủ tâm để đi đường dài”. Thụy Anh cũng đọc đầy đủ thơ của Trần Quang Đạo, để nhận ra “cảm thức nguồn cội” trở đi trở lại, làm nên “bản giao hưởng đồng quê trong thơ Trần Quang Đạo”. 

Không chỉ đọc những cây bút tên tuổi, Hoàng Thụy Anh còn dành sự quan tâm đến những sáng tác của các tác giả trẻ hơn. Từ những cây bút 7X như Trương Anh Quốc, Trần Nhã Thụy, Đỗ Bích Thúy, đến thế hệ 8X như Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Văn Học, Văn Thành Lê, Trần Đức Tín (bút danh Khét), Niê Thanh Mai… Với Trần Đức Tín, người vừa đoạt giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn TPHCM năm 2021 với tập thơ Ở đậu trong nhau, Hoàng Thụy Anh soi chiếu thêm cả hai tập thơ trước của anh là Rồi mình cũng xa lạ nhau và Mình mắc cạn vào nhau, để thấy “nỗi buồn thơ Khét là ký hiệu thẩm mỹ, thiết kế chất giọng riêng, khơi gợi những thông điệp, triết lý nhân văn, sâu sắc”. 

Với cây bút nữ đang hồi sung sức của Tây Nguyên - nhà văn Niê Thanh Mai với lần tái xuất bằng tập truyện Phía nào sương thôi rơi, Hoàng Thụy Anh nhìn nhận: “Truyện của Niê Thanh Mai thường chỉ chọn một lát cắt ngắn trong cuộc đời của nhân vật. Chị chú ý đến tình huống tạo nên tính cách hoặc bước ngoặt số phận của nhân vật”. 

Có thể nói, với Sức mạnh của vết thương, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đã làm một cuộc hành trình “kề vai sát cánh” với người sáng tác. Điều này đáng quý và cần thiết, nhất là trong bối cảnh văn chương đương đại vẫn còn cần thêm thời gian để định hình và chinh phục độc giả. Và quan trọng không kém, sự đồng hành này ít nhiều cũng tạo nên nguồn động viên, khích lệ cho những người sáng tác.

Tin cùng chuyên mục