Dệt may “mông lung” kịch bản tăng trưởng bền vững

Những năm gần đây, ngành dệt may luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để tiếp tục tận dụng được những cơ hội đang có, tự thân các doanh nghiệp (DN) cần chủ động hơn trong việc đầu tư chiều sâu và liên kết để cùng phát triển.
May veston xuất khẩu tại một đơn vị. Ảnh: THÀNH TRÍ
May veston xuất khẩu tại một đơn vị. Ảnh: THÀNH TRÍ

Lo ngại xảy ra kịch bản xấu

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may luôn đạt mức tăng trưởng trên 2 con số, đặc biệt tập trung ở những thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.

Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á cũng có mức tăng trưởng nhẹ; trong khi các thị trường như Ghana, Angola, Nigeria, Ai Cập và Lào, dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng đã tăng đột biến so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình đơn hàng dệt may tương đối tốt. Các đơn hàng đến với DN thành viên Vitas ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8% - 10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều DN đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý 3 và cả năm 2019.

“Dù tình hình khá sáng sủa, nhưng vẫn có thể xảy ra kịch bản xấu do tình hình thế giới đang có nhiều biến động. Đặc biệt, việc thực hiện áp thuế giữa các quốc gia đang gia tăng nên sẽ tác động đến các DN dệt may. Bởi khi tăng thuế mặt hàng nguyên liệu sẽ ảnh hưởng tới ngành may của Việt Nam, vốn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường bên ngoài”, đại diện Vitas phân tích.

Bên cạnh đó, ngành may của Việt Nam cũng đang đối diện với thách thức giá nhân công cao hơn đa số đối thủ cạnh tranh. Nếu như trước kia, DN Việt Nam có lợi thế giá nhân công thấp, đơn hàng đổ về nhiều; thì nay, với mức lương công nhân may Việt Nam trung bình 300 USD/tháng, cao thứ 2 trong nhóm 10 nước xuất khẩu lớn nhất trong ngành may mặc, sẽ khiến các DN may vất vả hơn trong bài toán quản lý, cạnh tranh.

Chưa kể, Hiệp định CPTPP và EVFTA đang đặt ra yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, trong đó CPTPP quy định xuất xứ từ sợi và EVFTA quy định xuất xứ vải phải nhập từ các quốc gia thuộc CPTPP mới được hưởng ưu đãi thuế quan.

Đây là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam, vì nếu không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ, DN cũng không thể tận dụng được tối đa lợi thế của các FTA. Nhưng nghịch lý hiện nay là Việt Nam xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD, nhưng vẫn phải nhập khẩu vải đến 2,7 tỷ USD.

Nguồn vải của dệt may phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu, phần lớn từ các nước bên ngoài CPTPP. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu toàn bộ sợi của Việt Nam dùng hết cho ngảnh vải thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sợi của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu để sản xuất hàng chất lượng cao.

Sớm hình thành chuỗi liên kết

Nhận định về sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam tại buổi triển lãm trong ngành mới đây, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng, trong năm 2018, DN dệt may đã đạt mức kim ngạch xuất khẩu hơn 36 tỷ USD. Kết quả này là nhờ thế mạnh về tay nghề kỹ thuật cao, tiêu chí sản xuất xanh, quản trị tiên tiến, cũng như quan hệ sâu rộng với khách hàng truyền thống.

Tuy nhiên, thị trường dệt may thế giới ngày một thách thức hơn, khi tình hình căng thẳng thương mại gia tăng, ảnh hưởng tới giá dịch vụ cũng như nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu mạnh cũng xem Việt Nam là đối thủ cần kiềm chế.

Do đó, để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của DN trong năm 2019 và tương lai gần, cần đổi mới cạnh tranh bằng các phương pháp thông minh hơn. DN ngành may buộc phải tập trung tăng năng suất, đầu tư dần vào khâu tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp, có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật.

Ngoài ra, việc liên kết các DN với nhau qua hệ thống sử dụng chung thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn… cũng là những yếu tố bắt buộc trong lộ trình cạnh tranh vào những năm tới.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết theo kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2019 của Việt Nam dự kiến là 40 tỷ USD. Do đó, các DN cần tập trung khai thác hiệu quả máy móc, thiết bị công nghiệp chất lượng cao và hệ thống công nghệ tự động hóa cao, cung cấp các giải pháp cho công nghệ may mặc theo cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, cùng thực hiện mục tiêu mà ngành dệt may đặt ra trong năm nay.

Liên quan đến các FTA, về ngắn hạn, CPTPP tạo ra thách thức đối với DN may do đang phụ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu từ bên ngoài CPTPP. Hiện CPTPP chỉ cung cấp được khoảng 7,6%, tương đương 1,3 tỷ USD lượng sợi, vải trong tổng nhu cầu 18 tỷ USD của Việt Nam.

Nhưng về dài hạn, CPTPP hay EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra quy mô thị trường đủ lớn để kích thích DN trong và ngoài nước đầu vào lĩnh vực dệt, nhuộm hoàn tất, hình thành chuỗi liên kết trong ngành dệt may từ ngành sợi đến ngành vải và ngành may.

Để tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ CPTPP hay EVFTA, DN dệt may phải hình thành được chuỗi liên kết. Việc này sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực khi thị trường biến động, đặc biệt là khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và xung đột thương mại giữa các cường quốc chưa có hồi kết.

Tin cùng chuyên mục