Dệt may cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Chưa kịp vui mừng khi đơn hàng bắt đầu dồi dào trở lại, ngành dệt may lại phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt với các nước láng giềng. 
Dệt may cạnh tranh ngày càng khốc liệt ảnh 1 Dệt may trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt. Ảnh: CAO THĂNG
Nâng chất, hút đơn hàng
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khắc phục được những khó khăn trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến tình hình xuất khẩu của ngành được cải thiện đáng kể.
Với những nỗ lực không ngừng, tính đến hết quý 3-2017, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt gần 23 tỷ USD. Dự báo kim ngạch trong quý 4 có thể đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Nếu đạt được con số này, Việt Nam sẽ đứng vào hàng thứ 26 trong tổng số các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. 
Đáng chú ý, đến nay hầu hết các doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn đều đã có đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm 2018. Giám đốc Công ty TNHH may mặc Thành Đạt, quận 12, TPHCM cho biết, thời gian qua ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn do việc dịch chuyển đơn hàng sang một số quốc gia lân cận và cạnh tranh gây gắt về đơn giá.
“Đơn cử, doanh nghiệp chúng tôi cũng bị mất một số đơn hàng từ Mỹ, nhưng bù lại nhận được các đơn hàng mới từ các khu vực khác. Hiện mỗi tháng chúng tôi sản xuất trên 100.000 sản phẩm và đã ký kết với các đối tác đủ cho đơn hàng cả năm 2018. Điều khiến đối tác quan tâm và ký kết lâu dài với chúng tôi là chất lượng và tiến độ giao hàng. Hiện một số đơn hàng của đối tác đặt chúng tôi đã làm xong, nhưng do chưa đến thời hạn giao hàng nên phải đóng thùng, bảo quản trong kho”, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Thành Đạt Lê Nhung cho biết.
Tương tự, các doanh nghiệp lớn đều đánh giá đơn hàng trong năm 2018 sẽ dồi dào hơn năm 2017. Bởi hiện nay, nhiều đối tác cũ đang quay trở lại và rất nhiều khách hàng mới tìm đến ký kết với các doanh nghiệp trong nước. 
Theo đánh giá của Hiệp hội May mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA), dù bị tác động của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP - tên mới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), nhưng nhờ thời gian gần đây dệt may Việt Nam có nhiều cải thiện đáng kể; đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng, giá cả hợp lý và các cam kết phân phối đã kéo số lượng các nhà đầu tư, nhà bán bán lẻ Hoa Kỳ đến với Việt Nam tăng lên. Đối với thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc ở nhóm may mặc và giày dép. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh trên thị trường may mặc Hoa Kỳ. Bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây cũng rất chú trọng đến chất lượng, giá cả và những điều kiện về hàng hóa xuất khẩu. Cũng theo đánh giá của AAFA, Việt Nam vượt qua các đối thủ trong tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ dù chưa nhận được ưu đãi từ các hiệp định thương mại nào. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong các lĩnh vực dệt may có thể tiếp tục tăng trong tương lai ngay cả khi không có TPP. 
Phát triển chuỗi cung ứng 
Mặc dù lạc quan về thị trường, đơn hàng vào năm tới nhưng hầu hết doanh nghiệp lại lo lắng về đơn giá, vì hiện nhiều khu vực thị trường đang có xu hướng giảm sẽ tác động đến dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia… làm gia tăng áp lực lên thị phần với Việt Nam tại những khu vực lớn.
Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí sản xuất tăng cao, giá trị gia tăng thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn chưa theo kịp với xu hướng hiện nay.
“Nguyên nhân là do phương thức sản xuất của chúng ta chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Do đó, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại được thì con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động, đổi mới phương pháp quản trị...” chuyên gia kinh tế Trần Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp TPHCM nói.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, với diễn biến hiện nay, ngành dệt may sẽ còn gặp nhiều thách thức, khó khăn. Tuy vậy, trong thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam, song để tạo ra ưu thế lớn hơn, bản thân doanh nghiệp cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới”, ông Trường đề xuất giải pháp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, điểm yếu và là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới, là do chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may. Chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi từng khâu phải đáp ứng tốt nhất cả về chất lượng, giá và thời gian giao hàng. Để khắc phục những tồn tại trên, hiện Chính phủ và các bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, muốn hội nhập, các doanh nghiệp cần lựa chọn thiết bị từ các nước công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục